MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Phạm Đông

Chủ tịch Hà Nội: Trong rừng có dân chứ không phải dân nhảy dù vào đó

PHẠM ĐÔNG LDO | 25/04/2023 18:09

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tại huyện Sóc Sơn có hai vấn đề nan giải khác cần giải quyết, đó là rác thải và quy hoạch rừng. Vấn đề rác thải đang từng bước được giải quyết, còn câu chuyện quy hoạch rừng thì cần được các đơn vị quan tâm nhiều hơn.

Sửa Luật Đất đai: Tránh tình trạng cứ tổ chức “lấy ý kiến cho có”

Chiều 25.4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV.

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường cho biết, trong thời gian từ 22.5 đến 23.6, kỳ họp thứ 5 chia thành 2 đợt, tập trung nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Cụ thể, dự kiến xem xét thảo luận để biểu quyết thông qua 8 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Các dự án luật xem xét thảo luận để thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân;...

Tại hội nghị, cử tri huyện Sóc Sơn đã chia sẻ ý kiến về nhiều vấn đề nóng, dân sinh bức xúc. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn Đồng Đức Hạnh - cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nhân dân đồng tình, ủng hộ, xem đây là việc làm cần thiết và quan trọng. Do vậy cử tri mong muốn Quốc hội quan tâm, nghiên cứu sửa đổi phù hợp thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tránh tình trạng cứ tổ chức “lấy ý kiến cho có” rồi ban hành các chính sách, quy định không phù hợp với thực tiễn. Điều này sẽ gây lãng phí, tốn kém tiền của vừa giảm lòng tin của nhân dân.

Theo ông Hạnh, thực tế hiện nay các quy định liên quan đến đất đai đang bất cập, không bắt kịp xu thế phát triển, nhất là các chính sách thu hồi đất, bồi thường, tái định cư... dẫn đến dân sinh bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Việc sửa luật phải giải quyết được những tồn tại, thực tế này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, hiện nay nhân dân nhiều xã còn thiếu nước sạch trầm trọng. Nguyên nhân là do 18/26 xã, thị trấn chưa được lựa chọn nhà đầu tư cấp nước sạch. Do đó, đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo, sớm lựa chọn nhà đầu tư cấp nước sạch cho người dân. Trong đó ưu tiên các xã vùng ảnh hưởng môi trường, xã xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Đông

Tính toán lại giá nước sạch, ưu tiên người nghèo

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết các sở, ngành rất quan tâm đến những vấn đề bức xúc của cử tri huyện Sóc Sơn. Hiện UBND TP đang chỉ đạo huyện Sóc Sơn phối hợp với các sở, ngành rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quá hạn mức.

Theo ông Thanh, dù không thể làm xong trong ngày một, ngày hai nhưng các sở, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để giải quyết sớm nhất cho người dân.

Liên quan đến vấn đề nước sạch cho người dân, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, trong số 18 xã chưa được cấp nước sạch của huyện Sóc Sơn, TP đang chỉ đạo cấp nước sớm trong năm 2023 cho 11 xã; đối với 7 xã còn lại, sẽ phải đấu thầu rồi mới tổ chức thi công nên sẽ cần thêm thời gian để nước sạch đến được với người dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm: Từ năm 2013 đến nay, tiền nước không tăng. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư nước sạch. Do đó sắp tới, thành phố sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, tại huyện Sóc Sơn có hai vấn đề nan giải khác cần giải quyết, đó là rác thải và quy hoạch rừng. Vấn đề rác thải đang từng bước được giải quyết, còn câu chuyện quy hoạch rừng thì cần được các đơn vị quan tâm nhiều hơn.

“Trong rừng có dân, chứ không phải dân "nhảy dù" vào đó. Huyện Sóc Sơn cần phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT, Sở TNMT để tập trung rà soát, phân loại, đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại quy hoạch rừng trên tinh thần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân…” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn