MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ tịch nước: Cần đặc biệt chăm lo sức khoẻ cho trẻ em

Nhóm PV LDO | 26/05/2022 16:54

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em. Do đó, cần quan tâm, chăm lo đặc biệt sức khoẻ cho trẻ em hôm nay, vì tương lai của đất nước.

Chăm lo sức khoẻ cho tương lai của đất nước

Tại buổi thảo luận tổ góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc sửa luật là cần thiết, bởi luật liên quan rất lớn đến vấn đề sức khoẻ của người dân. Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc bảo vệ, chăm lo sức khoẻ trẻ em.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em. Thống kê hiện nay, trẻ em Việt Nam chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Do đó, cần chăm lo sức khoẻ cho trẻ em hôm nay vì tương lai của đất nước.

Chủ tịch nước cho rằng, Luật Khám chữa bệnh đã ban hành từ năm 2009, đến nay rất lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân. Vì vậy, cần phải bổ sung một số điều liên quan tới quyền trẻ em. Lần sửa đổi, bổ sung này cần đồng bộ, cụ thể hoá quyền được chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Theo đó, đối tượng trẻ em cần được mở rộng nghĩa là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016, thay vì quy định dưới 6 tuổi. Trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám, xét nghiệm, điều trị trước, còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh PV

Các quy định về khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.

Và cuối cùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em hoặc áp dụng hạn mức trần cao hơn dành cho trẻ em.

Bất hợp lý trong cấp Giấy phép hành nghề 

GS.TS Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển rất mạnh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 52.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có 306 bệnh viện và 37.350 phòng khám tư nhân, chiếm 72,4% - con số này chứng tỏ hệ thống cơ sở y tế tư nhân phát triển rất mạnh.

Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống y tế tư nhân, để y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Một vấn đề cũng khiến đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương suy nghĩ, đó là việc đặt chỉ tiêu số giường bệnh trên mỗi bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng điều này cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức. Thay vì chạy theo số lượng giường bệnh/mỗi bệnh nhân, nên khai thác cơ sở y tế theo hướng tăng cường điều trị bệnh tại nhà cho người bệnh. Đây là xu hướng rất tốt và cần thực hiện nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; còn giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện việc cấp phép hành nghề.

“Rõ ràng, Hội đồng Y khoa Quốc gia làm về công tác chất lượng, giờ yêu cầu cấp Giấy phép hành nghề thì không hợp lý. Trong khi việc thu hồi Giấy phép hành nghề lại được quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, tức là giao cho đơn vị chuyên môn như Bộ Y tế, Sở Y tế thu hồi. Đơn vị nào cấp thì đơn vị đó có thẩm quyền thu hồi, chứ không có chuyện một đơn vị cấp, một đơn vị khác lại thu hồi”, ông Phương nói.

Trao đổi bên hành lang với PV Báo Lao Động, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh là luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tinh thần chung là phải rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, làm rõ các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các quy định về khám, chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như là Nhóm A để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn.

Đồng thời, cần làm rõ các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh.

Đại biểu Khải cũng cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ các nội dung về vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng. Đồng thời, làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn