MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường nghề tại TP Đà Nẵng hiện vẫn còn suất tuyển sinh nhưng nhiều phụ huynh, học sinh có tâm lý ngại học nghề sau THCS. Ảnh: Tường Minh

Chủ tịch nước mong người dân ủng hộ chủ trương phân luồng trong giáo dục

THÙY TRANG - VĂN TRỰC LDO | 05/12/2023 19:33

Chiều 5.12, tại hội nghị tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ về việc phân luồng giáo dục sau THCS và mong người dân Đà Nẵng tùy vào sức học, động viên con em học nghề nếu không vào được THPT công lập.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tương - người dân xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang - nêu vấn đề, cử tri và nhân dân thật sự rất lo lắng khi việc thi vào trường THPT công lập còn khó hơn việc đỗ đại học.

Kỳ thi vào THPT công lập được đánh giá áp lực hơn thi đại học. Ảnh: Thùy Trang

Chỉ riêng năm học 2022-2023, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng có hơn 700 em học sinh không đậu vào trường THPT công lập, trong khi trên địa bàn huyện không có trường dạy nghề.

Người dân lo lắng nếu không được học tiếp cấp 3, không được học nghề mà ở nhà lêu lổng thì nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên rất cao.

Ông Tương mong muốn Quốc hội và các bộ, ngành quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp, tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông...

Chia sẻ với những lo lắng của người dân huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, vấn đề phân luồng giáo dục từ THCS là nội dung rất quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và phù hợp với xu hướng hiện nay. Từ đó, làm sao mỗi học sinh được phát huy cao nhất sở trường và khả năng của mình. Những em nào có điều kiện học tốt, học giỏi, ham học, có năng khiếu trên một số lĩnh vực thì có thể tiếp tục học lên cao, vào đại học, thậm chí học cao hơn nữa.

Những em nào khả năng, điều kiện học chưa thể đáp ứng những nhu cầu học cao thì cần phân luồng để các em chọn những ngã rẽ khác và trở thành người có ích, có thể chăm lo cho gia đình, bản thân theo khả năng của mình.

Chủ tịch nước mong người dân căn cứ vào sức học của con em mình để động viên các cháu theo học nghề nếu trượt THPT. Ảnh: Văn Trực

“Ví dụ, học nghề cũng rất tốt, huyện của chúng ta băn khoăn vì chưa có trường dạy nghề, việc này thành phố cũng sẽ tiếp tục quan tâm. Nhưng tôi được biết, TP Đà Nẵng thì không thiếu trường dạy nghề. Tôi nghĩ từ đây vào trung tâm thành phố, nơi gần nhất chắc khoảng 30 phút là có thể tới trường, trung tâm dạy nghề rồi. Cho nên, người dân cố gắng làm sao vận động con cháu mình phải nỗ lực đi học. Đi 30 phút tới trường đâu phải khó khăn lắm.

Tôi nghĩ nếu như thật sự có tinh thần ham học, hiếu học và coi việc học như con đường thành người có ích, để có công ăn việc làm, thoát khỏi nghèo khó thì tôi nghĩ rằng, vẫn có thể tiếp cận được chuyện học hành. Người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân miền Trung nói chung có tinh thần hiếu học, ham học thì tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ động viên để con em mình học tốt, để tìm kiếm công ăn việc làm sau này” - Chủ tịch nước động viên người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn