MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ chiều 17.6. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch nước Tô Lâm: Công chứng phải chuẩn xác, giúp cải cách hành chính

Nhóm phóng viên LDO | 17/06/2024 20:07

Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) phải quy định trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc phải công chứng.

Chiều 17.6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Liên quan đến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, nếu đọc tổng thể thì dự thảo luật này đang phục vụ hành nghề công chứng; nếu nói là luật công chứng thì chưa toàn diện.

Chủ tịch nước cho biết, công chứng ra đời phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp.

“Trước đây không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi các giao dịch phát triển lên, nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, có lẽ mới chỉ khoảng vài chục năm nay, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản. Thẩm quyền ban đầu của UBND làm việc xác nhận. Sau đó xã hội phát triển mới hình thành nên nghề công chứng” - Chủ tịch nước cho biết.

Theo Chủ tịch nước, luật này trước hết phải phục vụ cho người dân có nhu cầu; phục vụ cho quản lý Nhà nước, quản trị xã hội là chính; và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, nên cần độ chuẩn xác rất lớn.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, các cơ quan hành chính có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải xác nhận và xin công chứng mới được giải quyết. Chủ tịch nước cho rằng, vừa qua, quản lý, quản trị hành chính Nhà nước cải tiến rất nhiều, cải cách thủ tục hành chính chính đã giúp công chứng giảm đi.

Chủ tịch nước nêu ví dụ, trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa. Trước đây đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải một tập giấy tờ, công chứng xác nhận...

Hiện nay, căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân; chỉ cần số định danh là giao dịch được trên môi trường điện tử, có thể khám sức khỏe, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế...

“Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng, đến từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết, còn bây giờ chỉ mang Căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi, thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà giao dịch điện tử. Cái đó mới là cái quan trọng, mới là cái cần phải cải tiến"- Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, luật phải quy định trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người ta phải công chứng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất của luật công chứng (sửa đổi) là phải phục vụ nhân dân.

Do đó, Chủ tịch nước cho rằng, cần rà soát lại tổng thể hơn để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn xác; đồng thời phải đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn