MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ tịch nước Tô Lâm nói về việc đưa dao vào quản lý để tránh lợi dụng

CAO NGUYÊN - PHẠM ĐÔNG LDO | 24/05/2024 17:40

Góp ý vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, chúng ta đang xây dựng một xã hội an toàn, mọi người dân không bị đe dọa bởi bất kể một áp lực, sức mạnh gì.

Chiều 24.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, điểm đầu tiên là chúng ta có một xã hội an toàn, không có súng, không có vũ khí hay công cụ đe dọa an toàn, an ninh bất cứ người dân nào.

Chủ tịch nước Tô Lâm lấy ví dụ nhiều lãnh đạo nước ngoài sang Việt Nam thấy nước ta rất an toàn. Thậm chí, khách du lịch đi đêm, đi ngày không bị đe dọa, không có khủng bố.

“Trong báo cáo nói rất rõ những vụ đâm chém nhau chiếm tỉ lệ lớn mà chủ yếu là dùng bằng dao nhưng chúng ta chưa đưa vào thiết chế quản lý theo luật nên xử lý khó. Xử lý vụ việc chỉ là một phần nhỏ, quan trọng là chúng ta không chấp nhận lợi dụng dao nhằm mục đích đâm chém”, Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, dao là có ý nghĩa phục vụ dân sinh là đúng nhưng có những trường hợp đi chục người mang theo mã tấu, mang theo dao thì không thể nói là phục vụ dân sinh được.

Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Cao Nguyên

“Chúng ta xây dựng một xã hội an toàn, mọi người dân không bị đe dọa bởi bất kể một áp lực, sức mạnh gì”, Chủ tịch nước nói và tin tưởng, đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ.

Cũng về vấn đề này, Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ con người là vũ khí quân dụng để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao để gây án.

Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án, trong đó đã xử lý trên 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chủ yếu xử lý về các hành vi là hậu quả của việc sử dụng dao, công cụ phương tiện tương tự dao.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Đông

Như vậy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí.

Vì vậy, theo đại biểu cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn