MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội chủ trì tọa đàm về hoàn thiện hệ thống pháp luật

THEO TTXVN LDO | 02/11/2021 16:47

Ngày 2.11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc tọa đàm giữa các chuyên gia về một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều chiều về các nội dung mang tính tổng thể của Chiến lược.

Nhất trí với các chuyên gia về việc Chiến lược cần tiếp tục kế thừa và phát triển, nâng tầm các nguyên tắc, quan điểm của Nghị quyết 48-NQ/TW và bổ sung các quan điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ quan điểm của một số chuyên gia quốc tế về vai trò của nhà nước trong hệ thống pháp luật của một quốc gia đang chuyển đổi và một quốc gia phát triển.

Theo đó, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, vai trò của nhà nước là rất lớn, không thể đặt vai trò của nhà nước và thị trường ngang nhau. Nếu ban hành luật quá chặt theo chuẩn của các nước đã có hệ thống pháp luật hoàn thiện và trình độ pháp luật phát triển ổn định cả trăm năm thì chúng ta sẽ tự bó buộc sự phát triển của chính mình.

Với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đề ra thì chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật đến năm 2030 cũng đã phải khác so với giai đoạn sau năm 2030.

Nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật tiếp tục đóng góp ý kiến, góp phần củng cố nền tảng, cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó, định hình được những nguyên tắc và quan điểm cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sau năm 2030 đến năm 2045. Câu chuyện thi hành pháp luật đến giai đoạn sau năm 2045 cũng phải khác với giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Về tình trạng luật khung, luật ống, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một mặt phải khắc phục để tránh tình trạng các bộ, ngành khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật cài cắm các lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm hoặc không bảo đảm đúng quy định của luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn đến năm 2030, khi nền kinh tế vẫn đang chuyển đổi, đất nước đang phát triển thì có những vấn đề cuộc sống đang diễn ra, chưa kiểm nghiệm được trong thực tiễn, nếu luật pháp cứ đóng cứng lại thì có khi vừa ban hành được vài ba năm đã phải sửa đổi.

Do đó, vẫn cần có các điều khoản “quét” giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, có “khung” để kịp thời điều chỉnh ngay nhằm đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn.

“Điều quan trọng không phải là có bao nhiêu điều khoản giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, không phải là giao nhiều hay ít mà là giao như vậy có đúng không? Nhiều điều mà giao đúng thì vẫn giao. Nhưng một điều giao mà không đúng thì cũng kiên quyết không giao. Vấn đề là các vấn đề đó đã đủ rõ để quy định chi tiết, ổn định ngay trong luật hay chưa”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.  

Về thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu phải hiệu quả, công bằng. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan hành pháp, đồng thời phải gắn với cải cách tư pháp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta nói tổ chức thi hành pháp luật thì gồm rất nhiều việc, từ ban hành văn bản hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật… nhưng cuối cùng, để pháp luật được thực thi hiệu quả và công bằng thì phải có một hệ thống tư pháp công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, thực sự vì dân.

Cùng với đó, kinh nghiệm của một số nước có mô hình gần gũi với nước ta như Trung Quốc đã tổ chức một hệ thống giám sát thực thi pháp luật nghiêm minh, chuyển từ mô hình phi tập trung sang mô hình tập trung, thành lập Ủy ban giám sát từ Trung ương xuống địa phương, thuộc cơ cấu của cơ quan lập pháp nhưng được xác định như một cơ quan quyền lực thứ tư giám sát toàn bộ việc thực thi pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. 

Trong thời gian tới, Tiểu ban xây dựng Chuyên đề 09 sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm về các nội dung chuyên sâu của Chiến lược. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để Tiểu ban và Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Chiến lược trình Ban Chấp hành Trung ương.

Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở được rất nhiều vấn đề và Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, giúp cho việc xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đạt chất lượng tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn