MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: P.Đ

Chủ tịch Quốc hội: Doanh nghiệp lỗ rồi lấy gì hưởng hoãn, giảm thuế

Phạm Đông LDO | 27/09/2021 17:03

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi hiện tại nếu các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy gì để hưởng chính sách giãn, hoãn, giảm thuế.

Kết luận phiên “Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội” ngày 27.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp đang bị suy giảm đáng kể do tác động của biến chủng Delta khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia cũng thống nhất đánh giá có 5 nguyên nhân khiến Việt Nam chuyển từ vị trí “ngôi sao” xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay. Trong đó, tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế; các chương trình trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế.

Về mô hình phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định chưa thể khắc phục được ngay dịch COVID-19 trong năm 2021-2022 mà có thể kéo dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tốc độ tiêm chủng vaccine và hiệu quả của vaccine trước những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2…

Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng an toàn với dịch Covid - 19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết là chính sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong… Điều kiện tiên quyết là phải đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 60 - 70%, hạ tầng y tế khá phát triển và sẵn sàng cao, ý thức của người dân và cộng đồng ứng phó với đại dịch.

Về xu hướng sắp tới, theo Chủ tịch Quốc hội, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhưng vô cùng bất định và có sự phân hóa. Nhóm nước phục hồi mạnh là nhóm phát triển cao, chủ động vaccine và sớm miễn dịch cộng đồng. Họ tung ra quy mô gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ lớn. Ở chiều ngược lại, nhóm các nước phục hồi chậm đối mặt rủi ro bùng phát dịch bệnh và số ca tử vong tăng lên là thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Giải pháp thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội, các chuyên gia đều cho rằng mục tiêu tập trung cho phòng chống dịch và bảo đảm sức khỏe người dân được đặt lên trên hết. Muốn vậy, phải đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, xem như điều kiện tiên quyết, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Cần tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển phải thông minh hơn bằng giải pháp công nghệ, chủ động, nhất quán, phân cấp ủy quyền, liên kết vùng…, tức phải thay đổi về sách lược, khôn ngoan hơn.

Chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Quốc hội cũng vừa mới gợi ý Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách có mục tiêu, có địa chỉ, với dư nợ 100.000 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ 3-4%/năm. Quan trọng hơn là phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang chịu thua lỗ.

“Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gợi ý tính toán cho doanh nghiệp tính chi phí thực tế cao hơn giá thành, hỗ trợ doanh nghiệp có thực lực tạm thời đang khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn