MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Bộ TN&MT về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

PHẠM ĐÔNG LDO | 08/08/2022 19:57

Lưu ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội theo quy trình tại 3 kỳ họp, song Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh ngay từ lần trình đầu tiên đã phải hết sức kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất

Chiều 8.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ và nội dung chủ yếu của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2019, được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ đã chủ động rà soát hơn 100 Luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan.

Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự Luật

Qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV. Tuy nhiên đây cũng là dự luật vô cùng khó, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rất rộng, tác động đến mọi lĩnh vực, mọi người dân và doanh nghiệp.

Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9.2022.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất trước ngày 1.9.2022. Đồng thời, phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động của dự luật về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh...

Cùng với đó, cần rà soát chi tiết hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhằm thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Trung ương về hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật liên quan trong năm 2023. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khoa học với tinh thần cầu thị, khách quan trong việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phân tích các xu hướng đặt ra, các kinh nghiệm quốc tế... để xác định đúng, trúng các nội dung cần sửa đổi. 

Cùng với trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, từng cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chọn lọc từng vấn đề thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách để bàn sâu, bàn kỹ.

"Phải huy động tối đa trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, của nhân dân và doanh nghiệp trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật. Quá trình chuẩn bị không được chủ quan, phải hết sức kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, đúng quy định pháp luật", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu. 

Lưu ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội theo quy trình tại 3 kỳ họp, song Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh ngay từ lần trình đầu tiên đã phải hết sức kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng dự án Luật. Hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Từ đó tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và để Nhà nước, tư nhân đều không thể làm sai, không còn “sợ sai”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn