MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội: Mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền của Quốc hội

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/08/2022 21:25

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp.

Chiều tối 11.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự tọa đàm góp ý dự thảo nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp Quốc hội là hình thức làm việc chủ yếu của Quốc hội. Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện nay được ban hành năm 2015 và đã tạo cơ sở để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội.

Tuy nhiên, qua hơn 6 năm thi hành, một số quy định của Nội quy đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới không ngừng về phương thức hoạt động của Quốc hội.

Nhiều đạo luật có liên quan đến kỳ họp của Quốc hội cũng đã được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua, đòi hỏi phải rà soát, sửa đổi Nội quy để bảo đảm tính thống nhất.

Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện nhiều cải tiến, đổi mới khác với Nội quy kỳ họp, được thực tiễn kiểm nghiệm hiệu quả và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, điển hình như việc tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19.

Quang cảnh tọa đàm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đảng đoàn Quốc hội đã đặt nhiệm vụ tổng kết, sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể là: mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, chức trách của đại biểu Quốc hội. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của kỳ họp...

Theo chương trình, dự thảo Nội quy (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tuần tới. Sau đó, sẽ được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình chuẩn bị tổng kết, đánh giá, xây dựng dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành công phu, bài bản, tuy nhiên, cũng còn một số nội dung cần tiếp tục trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nhiều năm tại Quốc hội đóng góp ý kiến nhằm làm rõ hơn nữa cơ sở lý luận, thực tiễn của những nội dung sửa đổi, bổ sung. Việc này nhằm bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc hoàn thiện dự thảo Nội quy để trình Quốc hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn