MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU - 137). Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc IPU-137

HL LDO | 15/10/2017 16:18
Tối 14.10 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) chính thức khai mạc tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga.

IPU-137 với chủ đề “Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc". 

IPU-137 có sự tham dự của 160 đoàn với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 80 lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước thành viên IPU. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự. 

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU-137, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, trong tình hình hiện nay rất cần có nền ngoại giao nghị viện có khả năng củng cố lòng tin giữa các quốc gia, giúp tìm ra những giải pháp thỏa hiệp cho các vấn đề quốc tế và khu vực. 

Về phần mình, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury nhấn mạnh, Đại hội đồng IPU-137 đề nghị các nghị sỹ nỗ lực tìm giải pháp cho những vấn đề cấp bách hiện nay; thảo luận các chương trình nghị sự mới, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc… 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko cho rằng, IPU là nền tảng để trao đổi quan điểm về những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới trong bầu không khí tự do, trí tuệ, bình đẳng và tập trung vào việc phát triển các giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người. Nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề thảo luận chung tại Đại hội đồng IPU-137, bà Matviyenko cũng lưu ý Đại hội đồng sẽ xem xét việc ban hành một nghị quyết về kỷ niệm 20 năm Tuyên ngôn Dân chủ toàn cầu. 

Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-137, các đại biểu sẽ tiến hành phiên thảo luận chung về chủ đề “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại giữa các tôn giáo và sắc tộc”, thông qua các nghị quyết, báo cáo của các Ủy ban thường trực, văn bản cuối cùng của phiên thảo luận chung; thông qua chủ đề của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền tại Đại hội đồng IPU-139. 

Hội đồng điều hành sẽ họp về báo cáo của Chủ tịch Hội đồng và Tổng thư ký; báo cáo về các hội nghị chuyên môn, chuyên đề của IPU thời gian gần đây; chiến lược của IPU giai đoạn 2017-2021; bầu Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2017-2021 và bầu bổ sung ban chấp hành.

Ban chấp hành sẽ thông qua biên bản phiên họp 275 tại Bangladesh tháng 4.2017; báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU và Tổng thư ký IPU; các vấn đề tài chính, chiến lược IPU 2017-2021, hợp tác với Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng IPU-138 tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 3.2018… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn