MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội nói lý do chưa sửa ngay Luật Quy hoạch

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/07/2023 20:11

Phát biểu tại cuộc gặp mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chiều 19.7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ lý do Quốc hội quyết định chưa sửa ngay Luật Quy hoạch.

Chiều 19.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Lắng nghe các ý kiến, đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, quyết định rất nhiều vấn đề khó, phức tạp. Dù vậy, với sự đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp và sự lắng nghe lẫn nhau, không để ý kiến nào không được tiếp thu, giải trình thấu đáo nên các nội dung đều đạt được sự đồng thuận rất cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động, phát huy trí tuệ của toàn dân, chắt lọc các ý kiến, đề xuất xác đáng, các vấn đề đã chín, đã rõ, thống nhất cao để thể chế hoá vào luật.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hội tiếp tục đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

Đồng thời kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

“Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/TW yêu cầu phải kiên quyết xoá bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng "quy hoạch treo", cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch... Đây là căn bệnh của chúng ta vừa qua. Nếu tình trạng này còn tiếp tục xảy ra, với chức năng tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội... thì hội cũng có một phần trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, quy hoạch phát triển đô thị có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội và cũng là một công cụ rất hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị.

Theo đó, đô thị hoá phải gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, nếu đô thị hoá “chạy” nhanh hơn công nghiệp hoá sẽ dẫn đến những khu đô thị vắng bóng người. Ngược lại, nếu “chạy” chậm hơn sẽ dẫn đến sự thiếu hụt các thiết chế cần thiết cho công nghiệp hoá và gây ra những hệ luỵ, tác động sâu sắc đối với xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia vào các chương trình, kế hoạch và các công tác quan trọng, có ý nghĩa lớn, đóng góp ý kiến cho Chính phủ, Quốc hội, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị.

Chia sẻ lý do Quốc hội quyết định chưa sửa ngay Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu sửa đổi luật sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ gây ách tắc công tác quy hoạch. Thay vào đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 cho phép áp dụng ngay một số giải pháp, biện pháp đặc biệt, cấp bách để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, yêu cầu Chính phủ trên cơ sở thực tiễn thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 61 sẽ tổng kết toàn diện để sửa đổi Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hội tiếp tục theo dõi, phản biện trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quyết định, phê duyệt.

Cùng với đó, hội tiếp tục thực hiện tốt công tác hội, nâng cao hơn nữa uy tín, chất lượng của Giải thưởng Quy hoạch đô thị Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả trong hoạt động quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

Đồng thời, giao Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm đầu mối nghiên cứu cơ chế, cách thức phối hợp với hội trong việc tham gia góp ý về các nội dung liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn