MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh T.Vương

Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ V

Vương Trần LDO | 19/08/2020 21:17
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ V năm 2020 được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc (UN) và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức từ ngày 19-20.8.2020. 

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn cùng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh T.Vương

Chủ đề tổng quát của Hội nghị lần này là: Sự lãnh đạo của Nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Dự phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu thảo luận về chủ đề: Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19 đang gây ra hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. 

Tháng 5.2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với IPU đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh T.Vương

Để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu một số đề xuất. 

Đó là: Các Nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, giám sát, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Cùng với đó cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu về chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ an sinh xã hội, những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Nghị viện các nước tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng. 

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới là diễn đàn đối thoại nghị viện cấp cao nhất ở quy mô toàn cầu với sự tham dự của các Chủ tịch Quốc hội của các nước trên thế giới. Hội nghị được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.

Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ V dự kiến thảo luận về các báo cáo và các chủ đề:

Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; 

Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; 

Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; 

Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu; 

Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các thách thức, cơ hội và giải pháp; 

Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; 

Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách; 

Tăng cường quản trị bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các nghị viện và người dân; 

Thúc đẩy nền kinh tế toàn diện và bền vững mang lại hạnh phúc và công bằng cho tất cả mọi người; 

Chống khủng bố và bạo lực cực đoan: Góc nhìn của các nạn nhân; 

Thông qua Tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn