MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa có trong tiền lệ khi chi 87.000 tỉ hỗ trợ 56 triệu người dân cả nước

Nhóm PV LDO | 28/10/2022 12:48

Nêu những con số "chưa có tiền lệ" về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc đó góp phần quan trọng ổn định lòng dân, phục hồi kinh tế.

87.000 tỉ đồng hỗ trợ 56 triệu người

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 28.10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với các thành tựu kinh tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, chính sách với người có công, người yếu thế, người nghèo… đều được quan tâm, thông qua việc nhà nước ban hành nhiều chính sách, thể chế trong đó có nhiều chính sách thực sự vượt trội. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con, trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhất là trẻ mồ côi.

Người đứng đầu ngành dẫn chứng, sau Nghị quyết 30, liên tiếp các Nghị quyết 68, 116 và 08 lần lượt được ban hành, đã hỗ trợ 87.000 tỉ đồng tới 56 triệu lượt người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH 

Theo ông, bình thường mỗi năm, ngoài các hoạt động thường xuyên thì cả nước chỉ hỗ trợ đột xuất được cho thêm 1 triệu người. Trong khi giai đoạn dịch bệnh, con số người được chăm lo, hỗ trợ lên tới 56 triệu.

"Đó là những việc chưa có tiền lệ", ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết, với một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam, đó là nỗ lực phi thường. Không như các nước, tiền được phát đại trà, tại Việt Nam, đối tượng hướng đến của các chính sách đa dạng, lĩnh vực bao quát lại rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh.

Về tình hình hiện tại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đời sống người dân đã được cải thiện một bước, dù vẫn còn một bộ phận khó khăn. Bình quân thu nhập của người lao động quý III tăng lên 7,6 triệu đồng, cao hơn 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu người, thu nhập khu vực dịch vụ trên 8 triệu đồng là rất cao.

"Những con số cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân, người lao động đã dần trở lại bình thường, thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện. Một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh, các nhu cầu thiết yếu cũng được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm hơn", ông nói.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Dù vậy, trưởng ngành lao động - xã hội thẳng thắn thừa nhận không ít điểm còn hạn chế trong lĩnh vực quản lý của mình.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức. Cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình.

Theo tiêu chí mới, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Lưới an sinh xã hội thực chất còn thấp. Các thiết chế văn hóa xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu và có nhiều hạn chế.

Lao động có chứng chỉ, bằng cấp cũng chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ, nhất là lao động chất lượng cao nên năng suất lao động chưa cải thiện nhiều. Lao động khu vực phi chính thức cũng vẫn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động còn thấp.

Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt chỉ tiêu nhưng ở mức thấp, thấp nhất trong những năm qua…

Thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển.

Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động theo các định hướng đó mà nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung - cầu lao động, tăng cường các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.

Mục tiêu đề ra với hoạt động này là tiếp cận với phương thức đào tạo chất lượng cao của những nước hàng đầu thế giới, như Đức, Nhật, Australia, phấn đấu vào top ASEAN 4 và có được số trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, góp phần dẫn dắt và lan tỏa với thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn