MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Ảnh: QH

Chưa đề cập tới vấn đề sáp nhập tỉnh

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 01/11/2017 14:57

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tới đây sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Việc sáp nhập các bộ, hay địa phương, theo ông Tân cũng phải đi từ Nghị quyết Trung ương 6.

Trao đổi cùng báo chí bên lề kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết “Có những nội dung áp dụng làm ngay, cũng có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những cái chuẩn bị cho đại hội XIII”, ông Tân lý giải.

Theo Bộ trưởng Tân, việc cơ cấu lại tổ chức, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ bên trong các bộ ngành, địa phương là có thể làm ngay được. Từ đó sắp xếp sao cho chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công.

Các cơ quan chuyên môn của các ngành như y tế cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Trung ương cũng có thể phân cấp một số nhiệm vụ chuyển giao cho cấp tỉnh, cấp tỉnh có thể chuyển giao cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối.  

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ được Thủ tướng giao thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước; việc nữa là sắp xếp lại các đơn vị theo Nghị quyết Trung ương 6. Vì thế các công việc tiếp theo phải bám vào Nghị quyết Trung ương 6 mà thực hiện - Bộ trưởng Tân cho hay.

Trao đổi về vấn đề sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tân, Nghị quyết Trung ương 6 "chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh”. Vấn đề sáp nhập các bộ thì cần “tiếp tục nghiên cứu”.

Trước đó có ý kiến của một số đại biểu cho rằng với quy mô diện tích và dân số, chúng ta đang phân bổ quá nhiều đầu mối. Nếu có thể sáp nhập được thì theo tính toán có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và giảm 3-4 bộ có cùng nhiệm vụ chức năng tương đồng. Đồng thời, mỗi tỉnh sau sáp nhập có thể tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn