MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc tại 8 dự án thu phí BOT

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 06/11/2023 18:58

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết đã quyết liệt, phối hợp với các bộ, ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT có vấn đề, trong đó có 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến hơn 10.000 tỉ đồng.

Chưa rõ thời gian giải quyết dứt điểm vướng mắc tại 8 trạm BOT

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) chất vấn, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT.

Trong hơn một năm qua, mặc dù, Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ xử lý 8 dự án BOT, trong đó nhu cầu vốn Nhà nước dự kiến là 10.342 tỉ đồng?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, bộ đã quyết liệt, phối hợp với các bộ, ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT có vấn đề. Trong đó có 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến hơn 10.000 tỉ đồng.

Nội dung này đã được Bộ GTVT triển khai từ rất lâu, nhưng có rất nhiều vấn đề phức tạp để tháo gỡ cho các dự án. Bộ và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Sau đó, tháng 11.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và bộ phải giải trình một số vấn đề cần thiết, như ngoài 8 dự án này thì ở địa phương còn bao nhiêu dự án? Quan điểm liên quan đến nguồn vốn để giải quyết lấy từ đâu, từ nguồn tăng thu hay từ đầu tư công?

Về pháp lý, cả 8 dự án này đều triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, các vấn đề pháp lý tương đối vướng mắc. Chủ thể các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. Khi làm việc, bộ đề nghị nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.

Hiện nay, Bộ GTVT đang giải trình để báo cáo Quốc hội. Trong 8 dự án có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị được hỗ trợ. Về tiến độ, đến nay là tương đối chậm, sẽ cố gắng tham mưu, giải trình để Chính phủ trình Quốc hội sớm giải quyết.

Dự kiến chi hàng tỉ USD để phát triển đường sắt

Chiều 6.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho biết, Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra một số tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long Thành...

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã có kế hoạch gì để triển khai đầu tư các tuyến đường này?

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu để kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư 5 tỉ USD từ ngân sách và vốn ODA.

Với tuyến Thủ Thiêm – Long Thành kết nối giữa Sân bay Long Thành và TP Hồ Chí Minh, dự kiến kinh phí 2,4 tỉ USD, sẽ tìm nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện.

Dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng cũng đang xây dựng báo cáo tiền khả thi, đang thuê tư vấn để làm và dự kiến tổng mức đầu tư 6,5-10 tỉ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là số vốn rất lớn, bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để kêu gọi, huy động tất cả nguồn lực, bao gồm cả ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và các tổ chức tài chính quốc tế mới đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Thắng


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn