MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Ảnh: Quochoi.vn

Chưa quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Trung LDO | 14/06/2019 11:20
Sáng 14.6, với 414/453 đại biểu có mặt tán thành, bằng 85.54%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý.

Chưa quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2

Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 9 chương, 115 điều. Luật này quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Thành Trung

Trước đó, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ông Bình cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác.

"Về vấn đề này, như ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH, Hiến pháp 2013 quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”,“công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” (các điều 5, 42), chưa quy định về ngôn ngữ thứ hai", ông Bình nói.

Về đối ngoại, ông Bình cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ đã được Bộ GDĐT rất chú trọng, tôn trọng sự lựa chọn của người học.

"Do đó, UBTVQH xin được giữ như quy định của dự thảo Luật (Điều 11). Chưa quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai", ông Bình nhấn mạnh.

Tôn trọng sự khác biệt của người học

Liên quan tới phương pháp giảng dạy, ông Bình cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm "lấy người học làm trung tâm"; “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” vào phương pháp giáo dục tại Điều 7.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tôn trọng sự khác biệt vào yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học.

Về nội dung này, ông Bình cho rằng, ý kiến của ĐBQH là xác đáng.

Do vậy, UBTVQH xin được tiếp thu và thể hiện cụ thể trong dự thảo: các điều 7, 24, 30, 43 quy định về phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm.

Theo ông Bình, phương pháp này sẽ được triển khai cụ thể trong quá trình dạy học, sẽ chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học.

"Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về yêu cầu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đối với các cấp học của GDPT, điều này bao gồm tôn trọng sự khác biệt, phát triển của mỗi người học", ông Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn