MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T

Chứng chỉ "làm đẹp hồ sơ": Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy "rất có vấn đề"

Thùy Linh LDO | 15/08/2019 17:56

Vấn đề chứng chỉ tin học ngoại ngữ được quy định trong tiêu chuẩn công chức, viên chức nhưng thực chất chỉ để cho có, để "làm đẹp hồ sơ"  tiếp tục làm nóng hội nghị về tuyển dụng công chức, viên chức của Bộ Nội vụ tổ chức ngày 15.8. 

Bộ ngành nào quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học?

Hiện nay, các Bộ, ngành đã ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới, cụ thể: Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, "tính hình thức", chỉ "để cho có" của các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được đặt ra nhiều năm nay. Đơn cử như câu chuyện các giáo viên ở Sóc Sơn, Hà Nội, chứng chỉ nộp được nhưng bản thân các giáo viên khẳng định, nếu thi sẽ trượt. Như vậy, chứng chỉ mang tính chất đối phó, và để có được chỉ cần "đi mua". 

Bộ Nội vụ thấy "rất có vấn đề"

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hải Long- Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền quản lý về cấp chứng chỉ sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Ví dụ, tiêu chuẩn của ngạch giáo viên mầm non là do Thông tư của Bộ Giáo dục ban hành..., như vậy Bộ Giáo dục phải trả lời về vấn đề này. Bộ Nội vụ đã ban hành những Thông tư, hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng về vấn đề tuyển dụng viên chức. Địa phương nào làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: "Về vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ bàn với Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ tổ chức rõ ràng việc này, đã có quy định về chứng chỉ là phải mở lớp đào tạo cho họ, anh yêu cầu họ xác nhận trình độ thì anh phải chịu trách nhiệm trong việc xác nhận trình độ này. Nhưng từ việc ra quy định rõ ràng, cụ thể đến việc mở lớp đào tạo để có được chứng chỉ thì Bộ Giáo dục chưa làm.

Về tình trạng chứng chỉ tin học hiện nay, Bộ Nội vụ thấy rất có vấn đề. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giáo dục về vấn đề này. Trước hết, đối với những trường hợp chưa có chứng chỉ thì sẽ phải bàn xem giải quyết như thế nào...".

Góp ý kiến tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trước khi tuyển dụng công chức, viên chức, phải xác minh văn bằng chứng chỉ. TPHCM gặp rất nhiều khó khăn khi đi xác minh có những cơ sở cấp văn bằng chứng chỉ đã giải thể, không biết liên hệ đơn vị nào để xác minh.

Liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nói đơn vị nào tiếp quản hồ sơ của đơn vị tổ chức thi, cấp văn bằng chứng chỉ thì sẽ biết. Nhưng vấn đề là chúng tôi cũng không thể tìm được đơn vị nào tiếp quản hồ sơ. Nhiều thí sinh đã tự đi thi, nộp chứng chỉ mới, chúng tôi lại tiếp tục xác minh. Vậy chứng chỉ mới có được công nhận không?". 

Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức cho rằng: "Việc xác định văn bằng chứng chỉ này sẽ gây thủ tục hành chính, khó khăn vướng mắc cho đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu làm chặt, ngăn chặn được văn bằng chứng chỉ giả và sẽ dễ cho các khâu sau như bổ nhiệm... Việc này là bắt buộc, yêu cầu làm kĩ ngay từ đầu, phải đảm bảo văn bằng chứng chỉ đó đúng quy định của pháp luật. Nếu đơn vị cấp chứng chỉ mà khó xác minh thì cũng cần xem xét lại".

Liên quan đến những tấm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ "làm đẹp hồ sơ", Báo Lao Động đã có loạt điều tra phản ánh đường dây gian lận thi chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học đang vươn vòi đến nhiều tỉnh thành từ Hà Nội, Bắc Ninh cho đến Hải Phòng, Thái Nguyên.

Những hình ảnh cận cảnh trong phòng thi được phóng viên Lao động ghi nhận lại đã chứng tỏ sự móc nối giữa các cty đào tạo với các trường thi tại Đại học quốc tế Bắc Hà, Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên để tạo ra những kỳ thi cấp chứng chỉ dối trá. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngay lập tức vào cuộc, và đang tiếp tục xử lý vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn