MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn

Chúng ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển

C.Nguyên - Đ.Chung - T.Vương LDO | 09/06/2020 11:38

Ngày 8.6, Quốc hội thảo luận ở tổ xung quanh báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chúng ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển.

Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của nước ta đạt rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, nên 6 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chúng ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển. Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm nay, khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.

“Dù vậy, trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình những tháng đầu năm và tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8 -7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỉ đồng” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tham gia thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) đã đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất sau đại dịch, trước tiên cần có chính sách phát triển mạnh mẽ vùng nguyên liệu trong nước.

Đại dịch cho thấy, khi chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài sẽ gặp trở ngại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Thứ hai thúc đẩy công nghiệp chế biến, vì sẽ giúp duy trì ổn định cho sản xuất công nghiệp, bảo đảm hàng nông nghiệp khi sản xuất ra được chế biến. Thứ ba, chúng ta cần chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống, dựa vào khai thác tài nguyên thô để sản xuất, sau đó thải ra môi trường, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, sang kinh tế tuần hoàn để mọi thành phần đều được huy động vào sản xuất, giảm phát thải vào môi trường.

Thứ tư, đẩy nhanh chuyển đổi số vì qua đại dịch mọi người đều thấy vai trò quan trọng của công nghệ số, người dân có thể ngồi ở nhà để trao đổi thương mại, học tập, tiến hành các giao dịch hành chính công. “Chúng ta đã nhìn thấy nhu cầu phát triển kinh tế số rất cấp bách và đây cũng là yếu tố then chốt cho phát triển đất nước trong tương lai nên cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Để phát triển kinh tế số, ĐBQH lưu ý, cần có chính sách xã hội hóa, nếu tập trung vào một số doanh nghiệp lớn sẽ ách tắc, không phát huy lực lượng lao động xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta phải có chính sách huy động doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia nếu không sẽ không phát triển được kinh tế số” - đại biểu Bình nói.

Cần nhiều cơ chế cho doanh nghiệp và NLĐ

Trao đổi tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn gay gắt vào quý III/2020, vì không có đơn hàng. Theo đó, sẽ có hàng triệu công nhân mất hoặc thiếu việc làm.

Theo ông Hiểu, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì việc làm cho NLĐ, thì không ít doanh nghiệp lợi dụng ảnh hưởng của COVID-19 để chấm dứt hợp đồng, sa thải lao động lớn tuổi. Từ đó, vị này đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp và NLĐ, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp, NLĐ vượt khó.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và các ngành kinh tế ít phụ thuộc vào nước ngoài để tạo việc làm cho NLĐ. Cần dự báo và làm tốt công tác quản lý xã hội trong bối cảnh không ít NLĐ mất việc làm, doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, hạn chế các tác động xấu về mặt xã hội và an ninh trật tự.

Còn Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) nói, xem chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống chưa. Đã có hiệu quả nhưng đâu đó vẫn còn những tồn tại. 

Doanh nghiệp thành lập mới, do ảnh hưởng chung, trong 4 tháng đầu năm doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập. Cần có nhìn nhận đánh giá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các chính sách hỗ trợ sau dịch, miễn giảm thuế, giãn nợ, đã làm như thế nào. Cần có đánh giá kỹ hơn, để thật sự các chính sách thực thi như thế nào có hiệu quả. Các doanh nghiệp sử dụng hỗ trợ nhà nước để vực dậy sản xuất, kinh doanh như thế nào.

Vấn đề này Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta chống dịch COVID-19 tuyệt vời. Nhưng từ thực tế của doanh nghiệp, ĐBQH đánh giá cao việc Bộ Chính trị ra kết luận 77, là những chủ trương lớn liên quan đến khắc phục hậu quả dịch bệnh.

Còn liên quan đến doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, doanh nghiệp hiện nay khó khăn, mới chỉ là đội ngũ thuyền thúng, vốn mỏng. Chính phủ đã kịp thời có chính sách, Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng nếu không có chính sách phù hợp sẽ không thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, vì ngân hàng cũng là thực thể kinh tế, họ cần bảo đảm an toàn tài chính cho mình trước.

Vị đại biểu này đánh giá cao việc Quốc hội dành một ngày cho ý kiến, phê duyệt Nghị quyết về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Tuy nhiên, bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, ĐBQH cho rằng, cần chú ý khai thác thị trường chứng khoán, vì không chỉ giúp giữ dòng vốn ngoại, mà còn kích nhà đầu tư trong nước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn