MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc chậm trễ áp dụng chương trình GDPTTT mới sẽ gây ra nhiều tổn thất Ảnh: Hải Nguyễn

Chương trình giáo dục tổng thể chậm triển khai: Thiệt hại về tiền, lo chất lượng của chương trình và SGK mới

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/08/2017 09:06
Không chỉ đi chậm so với sự phát triển của thế giới, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT), nếu chậm lại 1 năm như đề xuất mới đây của nhiều tổ chức, cá nhân, chúng ta sẽ có thể đánh mất niềm tin, tổn hại về cả kinh tế và xã hội.

Tổn thất muôn bề

Theo đúng tiến độ Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì chương trình GDPT và sách giáo khoa (SGK) mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, có nghĩa chỉ chưa tới 1 năm nữa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Ban soạn thảo chương trình mới chỉ vừa thông qua Chương trình GDPTTT chính thức, chương trình môn học vẫn đang được xây dựng. Nếu thực hiện đúng lộ trình theo Nghị quyết 88 và Quyết định 404/QĐ-TTg ngày 27.3.2015 của Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông thì đã phải hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới từ giai đoạn 1 (tháng 4.2015 - 6.2016).

Thời gian biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ SGK mới của lớp 1, lớp 6, lớp 10 nằm ở giai đoạn 2 (tháng 7.2016 - 6.2018). Và từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới. Như vậy, có nghĩa là xét về mặt tiến độ thực hiện Quyết định 404, Bộ GDĐT đã thực hiện chậm hơn so với lộ trình gần 2 năm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Uỷ ban) - cho hay: Nếu theo đúng lộ trình, thời gian còn lại nói là 12 tháng nhưng thực tế thì không còn nhiều như vậy. Trong khi vẫn còn nhiều công đoạn phải thực hiện: Thông qua chương trình từng môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các bộ SGK; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên… Áp lực thời gian có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của chương trình và SGK mới. Chính vì vậy những băn khoăn về mặt thời gian được dư luận đặt ra là một băn khoăn có cơ sở.

Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đề xuất lùi thời gian áp dụng chương trình lại 1 năm để Bộ GDĐT có thời gian chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều tổn thất.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tổng kinh phí thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vốn vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam. Nếu chậm lại chắc chắn hiệu quả về mặt kinh tế cũng giảm sút.

“Dù được vay với vốn ưu đãi nhưng trong bối cảnh nợ công ngày càng lớn, thâm thủng ngân sách ngày càng cao, việc chậm trễ sẽ góp phần khiến nợ công tăng cao dẫn đến ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung của đất nước. Đồng nghĩa với nó là lạm phát càng cao, tỉ lệ trượt giá sẽ càng lớn, chi phí cũng sẽ tăng theo khiến cho tổn hao kinh tế nhanh” - chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Cũng theo ông Ngô Trí Long, càng đi sớm giai đoạn nào thì hội nhập của nền giáo dục, kinh tế sẽ càng tốt. Hoạt động đào tạo giáo dục của nước nhà càng có hiệu quả. “Thế giới đang phát triển từng ngày, từng giờ, thậm chí chạy đua từng giây một, vì thế chậm lại nền giáo dục hiện đại 1 năm sẽ gây tổn thất không hề nhỏ” - ông Long nói.

Nhìn về mặt chất lượng, việc chậm trễ ở một công đoạn nào đó sẽ kéo theo sự chậm trễ ở các công đoạn sau dẫn đến chất lượng cả dự án sẽ khó có thể đạt yêu cầu như kỳ vọng. Quan trọng hơn, việc thường xuyên chậm trễ và xin lùi các dự án, đặc biệt là các dự án về giáo dục, đã trở thành tiền lệ không tốt. Chúng ta sẽ đánh mất niềm tin với nhân dân, uy tín của quốc gia với cơ quan nước ngoài hỗ trợ thực hiện chương trình.

“Liệu rằng với cách thức làm việc như hiện nay, nếu lùi lại 1 năm thì sản phẩm đầu ra có thực chất đạt mục đích, hiệu quả như mong muốn?” - PGS-TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Hàng chục nghìn học sinh vào đầu cấp năm học 2018-2019 sẽ tiếp tục phải học một chương trình giáo dục lạc hậu nếu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chậm lại 1 năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm

Từ thực tế trên, ông Long cho rằng: Bộ GDĐT cần phân tích và tìm ra nguyên nhân chậm do đâu, ai đảm nhận và biện pháp khắc phục như thế nào. Bộ GDĐT cũng cần nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Chủ trương của Đảng và Nhà nước, Quốc hội là thưởng, phạt cần nghiêm minh, lãnh trọng trách của Nhà nước, của quốc gia, toàn dân đã tín nhiệm giao phó thì phải theo kỷ cương. Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhắn nhủ, Bộ GDĐT cần nghiêm khắc nhìn nhận lại các bài học kinh nghiệm về sự thất bại của các dự án cũ để có những cố gắng thực hiện cho đúng tiến độ và vẫn đảm bảo chất lượng.

Bàn về vấn đề này, một nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT chia sẻ: Dù đã có thời gian nghiên cứu, thực hiện và xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã rất lâu nhưng thực chất chương trình đang chưa đạt được đúng yêu cầu, tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XI đề ra. Chương trình đang né tránh việc phân luồng học sinh ở THCS; chưa thể hiện rõ tính hướng nghiệp ở THPT. Cách xây dựng hiện nay mới chỉ như một phân ban, phân nhóm thôi.

Trước việc thời gian kéo dài mà chất lượng chương trình GDPTTT vừa công bố chưa như mong muốn, vị lãnh đạo này cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người tham gia. Trong lịch sử giáo dục, có lẽ chưa bao giờ một thất bại, một sai sót mang tính tổ chức, tổng thể nào được quy trách nhiệm cho cá nhân. Thậm chí, muốn xoá một chương trình cũng chưa hề có những đánh giá nghiêm túc dẫn đến vô cùng lãng phí. Vì vậy, rất cần những đánh giá và hình thức thưởng, phạt 
nghiêm minh.

Vị lãnh đạo này cho hay, những thất bại gần đây trong chương trình VNEN, Đề án học ngoại ngữ 2020… có thể Bộ GDĐT sẽ không thừa nhận nhưng kết quả thực hiện là những bài học đắt giá mà bộ cần nhìn nhận.

“Giáo dục trong những năm vừa qua đã phạm phải sai lầm, đó là không được xem xét dưới góc độ hệ thống, mạnh ai người ấy làm và không mang tính kế thừa, một thế hệ lãnh đạo mới lên chưa kế nhiệm được hết, thậm chí xoá đi những gì mà thế hệ tiền nhiệm đã làm. Điều này gây ra nhiều lãng phí và bất cập cho giáo dục” - nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay.

Trước việc chậm trễ trong thực hiện chương trình GDPTTT, hàng chục nghìn học sinh vào đầu cấp năm học 2018-2019 sẽ tiếp tục phải học một chương trình giáo dục lạc hậu với nhiều bất cập. Tổn thất này ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn