MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ được triển khai trong vụ lúa năm 2024. Ảnh: Nguyên Anh

Chuyên canh lúa chất lượng cao, hàng triệu nông dân hưởng lợi

PHƯƠNG ANH - PHONG LINH LDO | 06/11/2023 07:44

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ được triển khai thực hiện ở vụ Đông Xuân 2023-2024 với diện tích 180.000 ha. Đây là tín hiệu đáng mừng góp phần nâng cao giá trị hạt lúa, người dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Sản xuất chất lượng cao, phát thải thấp

Theo TS. Trần Minh Hải - Trường Chính sách công và PTNT - cho biết, lúa gạo Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng luôn xuất khẩu ổn định, đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu và nâng cao vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên hiệu quả sản xuất và thu nhập của người trồng lúa còn thấp, chất lượng, sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu chưa cao. Đặc biệt, biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn tới hoạt động sản xuất lúa của người nông dân.

Đứng trước những thách thức của ngành lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

“Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu hécta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị. Từ đó phát triển bền vững ngành lúa gạo, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với Quốc tế”, TS. Hải nói.

Đề án dự kiến sẽ giúp giảm 20% chi phí sản xuất, góp phần giảm khoảng 9.500 tỉ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa). Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần giúp giá bán lúa tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết: Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu 7.000 tỉ đồng/năm. Ước tính nếu trên phạm vi 1 triệu hécta lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16.000 tỉ đồng.

Việc rơm rạ được thu gom và tái sử dụng sẽ không gây tác hại xấu đến môi trường mà còn góp phần tăng giá trị. Trung bình sản xuất 1 tấn lúa tạo ra 0,6 tấn rơm, với giá bình quân 300.000 đồng/tấn rơm thì sẽ thu được thêm trên 2.000 tỉ/năm nếu đạt tỉ lệ 100% rơm được thu gom và bán ra ngoài.

Hàng triệu nông dân hưởng lợi

Tính đến nay có 12/13 tỉnh ĐBSCL đăng ký tham gia Đề án. Trong đó, Kiên Giang, An Giang là 2 địa phương đăng ký diện tích thực hiện cao nhất. Bến Tre không tham do có ít diện tích lúa.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2024, tỉnh đăng ký 60.000ha, với 104 hợp tác xã tham gia.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông tin, Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và mong muốn đồng hành cùng với Việt Nam làm Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Đây được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới. Cách đây 2 tuần, Giám đốc WB tại Việt Nam cam kết, trước hết hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon. Bên cạnh đó còn hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng.

Còn theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), Đề án sẽ mang về 13 triệu tấn lúa, tương đương 7 triệu tấn gạo, với giá bán 800 USD/tấn sẽ mang về 5,6 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn