MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: TTBC

Chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, ĐBQH nêu nhiều băn khoăn

Vương Hà Chung LDO | 17/11/2020 06:26
Chiều 16.11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến trái chiều về việc tách 2 bộ luật cũng như chuyển việc quản lý sát hạch, đào tạo cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm nhiệm vụ sát hạch như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) bày tỏ sự băn khoăn khi tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Phạm trù giao thông là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời, đó là: cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Bảo đảm an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng tới chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh” - ông Hận nói.

Về việc chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, ông Hận nêu ý kiến, khi chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an thì việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải và 63 tỉnh, thành là vấn đề, cần điều chỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực.

This browser does not support the video element.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) nêu ý kiến tại hội trường.

“Từ thực tiễn hoạt động của công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019 liên thông trong toàn quốc đối với giấy phép lái xe, được nhân dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Chúng ta đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho Nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết” - ông Hận nói.

Cần phải cân nhắc kỹ, tránh lãng phí nguồn lực

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu ý kiến, hoàn toàn nhất trí với ý kiến các đại biểu đã phát biểu trước là không nên tách thành một luật riêng - Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

“Tôi đề nghị cần phải cân nhắc cẩn trọng về sự cần thiết phải thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Trước đây, công tác này từng do Bộ Công an quản lý, nhưng qua nghiên cứu sửa đổi đã giao trách nhiệm về Bộ Giao thông Vận tải. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, có nội dung thực hiện chuyển quyền quản lý một số lĩnh vực có đủ điều kiện dân sự hoá của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang Bộ ngành khác” - bà Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: TTBC

Sau 25 năm thực hiện, hệ thống nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải ngày càng được hoàn thiện và hiện đại hoá. Việc thay đổi cơ quan quản lý phải tính toán kỹ lưỡng về chi phí phát sinh, tránh gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Trái với các ý kiến băn khoăn, đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hoà Bình) nêu ý kiến cho rằng việc chuyển quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an là phù hợp.

“Tôi nhất trí với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng An ninh trong báo cáo thẩm tra thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Điều này được thể hiện rất rõ trong Khoản 4 Điều 66 của dự thảo luật là luật trách nhiệm của Bộ Công an. Đây là điều phù hợp, đảm bảo tính hợp lý đồng bộ và thống nhất xuyên suốt và nhất quán từ cấp giấy phép lái xe và sau đó quản lý giấy phép lái xe. Điều này giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường quản lý nhà nước về công tác này” – ông Tản nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn