MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Bùi Đức Thụ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Chuyển đổi để thích ứng với va đập của thị trường

VƯƠNG TRẦN LDO | 17/04/2020 08:31
Để nền kinh tế không bị đổ gãy, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các địa phương cần phải nắm chắc và thực hiện theo tinh thần của Chính phủ đã yêu cầu.

Tháo gỡ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp

Theo đó, tiếp tục kìm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức tốt nhất. Đồng thời, cần từng bước thực hiện giảm dần cách ly xã hội theo hướng thận trọng, linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện “mục tiêu kép”, giải quyết vấn đề việc làm, giải quyết đời sống xã hội.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề cùng với thực hiện quyết liệt phòng chống dịch, các cấp ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, tại phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã nêu rõ các biện pháp áp dụng về cách ly xã hội, chống dịch với các nhóm địa phương.

Với những nhóm tỉnh, thành phố không thuộc nhóm “Nguy cơ cao” cần phải bắt tay ngay vào những vấn đề liên quan tới tháo gỡ khó khăn, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu dần dần được nhịp sống sinh hoạt và phát triển kinh tế để đảm bảo mục tiêu kép.

“Để vực dậy được nền kinh tế sau dịch bệnh, trước tiên cần sự nỗ lực hơn từ bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân. Những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận được những ưu đãi, chính sách để bắt tay ngay vào các hoạt động đầu tư phát triển” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, các địa phương cần phải xem lại vấn đề của địa phương mình là gì, hiện nay cần tháo gỡ ở điểm nào để tập trung giải quyết, thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những vấn đề ngoài thẩm quyền thì cần có báo cáo kịp thời lên các cơ quan cấp trên.

Những vấn đề cần phải giải quyết đó là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp… Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó.

Còn về hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhà máy, cơ sở sản xuất, ông Phương cho hay, trước tiên cần tối ưu việc áp dụng công nghệ trong quản lý. Với những bộ phận có thể làm việc trực tuyến được thì tiếp tục làm việc trực tuyến để đảm bảo công việc.

Đối với công nhân, người lao động phải trực tiếp tới nơi làm việc thì cần kiểm tra y tế, đo thân nhiệt khi vào các phân xưởng, nhà máy, trong trường hợp có biểu hiện bất thường cần được cách ly hoặc có biện pháp y tế ngay. Những quy định bắt buộc như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh nơi làm việc cần được thực hiện nghiêm.

Cơ hội để tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới

Liên quan tới vấn đề giải pháp để phát triển kinh tế, TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nhìn nhận, rõ ràng tác động của dịch ảnh hưởng tới các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Có những ngành chịu sự tác động trực tiếp như hàng không, du lịch. Những ngành hoạt động xuất nhập khẩu gắn với thị trường thế giới như dệt may, da giày… cũng bị ảnh hưởng. Chính từ những ngành này, trong chuỗi giá trị cung ứng giá trị đó thì các ngành liên đới cũng bị ảnh hưởng theo.

Cũng theo ông Thụ, thời gian tới, cùng với nhiệm vụ chống dịch thì một nhiệm vụ quan trọng khác đó là đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đối với những địa phương đã được nới lỏng về lệnh cách ly xã hội cần bắt tay ngay vào các hoạt động cấp bách, cần thiết để “vực dậy” nền kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Những chính sách về thu hút đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng… và đảm bảo sản xuất kinh doanh không được để ngưng trệ, chậm trễ.

Về phía doanh nghiệp cũng đã được hưởng những chính sách tài khóa chưa từng có tiền lệ để có thể tiếp tục hoạt động. Như tinh thần của Thủ tướng đã nêu “khó khăn gấp đôi, thì chúng ta phải cố gắng gấp ba” - lúc này, các địa phương và doanh nghiệp phải bắt tay vào việc ngay, khắc phục những khó khăn, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, tạo ra bức tranh mới cho kinh tế Việt Nam.

“Chính phủ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường để tránh “bỏ trứng vào một giỏ” ảnh hưởng tới hoạt động của mình khi có biến động bất lợi từ các nhà cung ứng từ các quốc gia khác. Việc tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu với nền kinh tế đang trở thành những áp lực lớn đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải chuyển đổi để thích ứng với những va đập của biến động kinh tế thế giới vào nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục khai thác những thị trường mới, quan tâm tới các nhu cầu của một thị trường gần trăm triệu dân trong nước. Đổi mới hoạt động dịch vụ, quản lý điều hành đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để tái cơ cấu thành công và phát triển sau dịch bệnh” - ông Thụ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn