MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chuyển đổi số quốc gia, ngành tài chính và ngân hàng cần lãnh ấn tiên phong

NHÓM PV LDO | 31/05/2023 19:26

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cần có một số ngành có trách nhiệm “lãnh ấn tiên phong” đi đầu trong quá trình số hóa, trong đó có ngành tài chính, ngân hàng.

Nhìn xa trông rộng, không để biến động kinh tế vượt quá khả năng dự báo

Chiều 31.5, thảo luận về tình tình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, báo cáo của Chính phủ cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.

Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, động lực tăng trưởng suy giảm mạnh chủ yếu chịu tác động từ bên ngoài như giá một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh, thiếu hụt nguồn cung đầu vào, thị trường xuất khẩu thu hẹp do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu.

Bên cạnh đó còn có những khó khăn trong nước như dòng vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh, chi phí lãi vay tăng cao, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ...

Từ đó, đại biểu cho rằng cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.

Ngay trong lĩnh vực du lịch, theo đại biểu phí thị thực của nước ta khá cao, có khi bằng 30-40% giá vé máy bay khứ hồi của du khách. Do đó cũng cần phải xem xét lại để làm sao cho dịch vụ du lịch sớm phục hồi tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

"Vấn đề là chúng ta cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới còn lại, làm nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đúng hướng, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình", đại biểu nhấn mạnh.

Về chuyển đổi số quốc gia, theo bà Yên, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cần có một số ngành có trách nhiệm “lãnh ấn tiên phong” đi đầu trong quá trình số hóa, trong đó có ngành tài chính, ngân hàng.

Hơn nữa, trong báo cáo của Chính phủ ở phần về các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 đã nêu: khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí..., có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Những giải pháp này sẽ khả thi hơn khi ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chính vì vậy, Chính phủ đã xác định tài chính, ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao nhất.

Nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu rõ, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số vẫn còn những hạn chế nhất định như: Hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỉ lệ hồ sơ xử lí trực tuyến thì thấp.

Hoạt động của cơ quan nhà nước còn dựa trên giấy tờ theo truyền thống, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực.

Theo đại biểu, chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số và kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số chưa thực sự được quan tâm.

Đặc biệt, đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) cũng cho thấy vẫn còn tồn tại, bao gồm hạn chế về pháp lí, cơ sở hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn lực triển khai đề án.

Đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp. Coi đây là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm. Phát triển dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, việc làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn