MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu. Ảnh: VPQH

Chuyên gia cảnh báo năng suất lao động của doanh nghiệp Việt đang tụt hậu

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/09/2023 16:37

Hiện Việt Nam có 900 nghìn doanh nghiệp, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, năng suất lao động đang tụt hậu.

Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, chiều 19.9, phiên toàn thể được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Đại biểu Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho rằng, trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình.

Theo ông Lộc, hiện tại chúng ta vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố này chính là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của nước ta. Nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới.

Dù vậy, ông Lộc cũng chỉ rõ, hiện Việt Nam có 900 nghìn doanh nghiệp, có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới.

TS Vũ Tiến Lộc nhận thấy, kinh tế Việt Nam được dẫn dắt bởi 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) trong 30 năm qua. Hiện nay 3 động lực tăng trưởng cần có sự phát triển đột phá để đạt được mục tiêu phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

TS Vũ Tiến Lộc dự báo, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Đối với khu vực tư nhân, TS Vũ Tiến Lộc nhận thấy, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó, khơi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phát biểu. Ảnh: VPQH

Còn theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và của Quốc hội đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam.

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới.

Để phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm (sandbox).

Ngoài ra, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm.

Đồng thời, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn