MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người lính trong trận chiến với chính mình. Ảnh: C.N

Chuyện về những thương bệnh binh trong trận chiến với chính mình

Cường Ngô LDO | 27/07/2017 10:54
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của cuộc chiến vẫn còn đó, nó hiện hữu trên những bước chân tập tễnh hay những cơn đau triền miên của những người thương bệnh binh. Những cơn đau giằng xé khiến họ phải sống trong vô thức, dù vậy, với họ, những kí ức về tình đồng đội, đồng chí vẫn không phai mờ.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) là nơi nuôi dưỡng, điều trị cho 113 thương bệnh binh; 30 trường hợp là hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công… đến từ 20 tỉnh, thành phố (từ Quảng Ngãi trở ra). Trong đó, có 70% đồng chí thương bệnh binh bị sa sút trí tuệ nặng. Ảnh: C.N
Các cựu binh đang điều trị tại đây phần lớn họ đều bị mắc các bệnh mãn tính, sức khỏe và trí tuệ sa sút, nhiều thương bệnh binh không nhớ được cả người thân của mình. Ảnh: C.N
Tại đây có 3 khoa điều trị bao gồm: Khoa 3 là các bệnh binh tạm ổn định đi lại sinh hoạt được. Khoa 2 chăm sóc thân nhân người có công. Còn khoa 1 (khoa kích động) là nơi điều trị cho những thương binh nặng, tổn thương não, mất trí nhớ. Ảnh: C.N
Những thương bệnh binh ở Trung tâm Kim Bảng từng là những công binh, bộ binh, đặc công trinh sát vô cùng quả cảm, thế nhưng trở về đời thường lại phải chiến đấu với nỗi đau thể xác và tinh thần. Ảnh: C.N
Có người vẫn còn những mảnh đạn trong đầu như thương binh Nguyễn Văn Ngân (Kim Bảng, Hà Nam, thương tật 81%) hay thương binh Trần Thanh Nghĩa (Hà Tĩnh, thương tật 85%). Ảnh: C.N
Những cơn đau giằng xé khiến họ trở nên vô thức, không làm chủ được hành vi của mình. Ảnh: C.N
Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn, ở ngủ nghỉ đều do y tá, hộ lý phục vụ. Ảnh: C.N
Đặc thù bệnh tật của các bệnh binh là tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ dẫn đến việc theo dõi, khám xét, điều trị, chăm sóc của y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: C.N
Họ phải uống thuốc đều đặn 2 lần trước bữa cơm. Mỗi người một đơn thuốc khác nhau tùy thuộc bệnh lý của từng người. Ảnh: C.N
Thuốc luôn là vật bất ly thân của những thương bệnh binh. Ảnh: C.N
Với những cựu chiến binh bị chấn thương nhẹ, tinh thần minh mẫn, khi được hỏi về những kỷ niệm của cuộc chiến tranh, họ trả lời đầy hào sảng: "Dù bị thương nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn khi được trở về với gia đình, quê hương. Nhiều đồng đội của tôi mới mười tám đôi mươi nhưng đã nằm lại trong cuộc chiến giải phóng dân tộc trường kỳ, cựu chiến binh Nguyễn Đồng Tâm bồi hồi. Ảnh: C.N
Ông Tâm cho hay, trong trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, các chiến sĩ sư đoàn 308 hi sinh rất nhiều. Một số anh em vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ nhưng nhiều người trong số đó bị pháo kích của địch bắn, ném bom đã mất tích vì… xác trôi ra biển. Ảnh: C.N
Ngoài những kỷ niệm thời chiến, những người lính còn nhớ về tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng. Với họ những ký ức về năm tháng đỏ lửa chiến trường mãi không phai nhòa. Chia sẻ với PV, ông Ngô Đình Chiến (sinh năm 1950, quê Thái Nguyên) bộc bạch về kỷ niệm khiêng xác hai đồng chí trung đoàn trưởng và chính ủy hi sinh trong quá trình chiến đấu. Khi nhận nhiệm vụ ông không ngờ rằng hai đồng chí của mình đã được chôn dưới gốc đa độc lập 3 ngày. Ảnh: C.N
"Thời chiến gian khổ lắm, đồng đội hi sinh không có gì để liệm, chỉ có chính võng và tăng của người chết, cuốn lại, rồi chôn”, ông Chiến kể. Ảnh: C.N
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, những người lính năm xưa trở về cuộc sống thường nhật. Có người mang trên mình nỗi đau bệnh tật như 113 chiến sĩ đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam), nhưng với họ, dù cuộc sống có như thế nào thì tình đồng đội, kí ức về những trận đánh ác liệt không bao giờ phai nhạt, vẫn còn đậm sâu trong tâm trí. Ảnh: C.N

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn