MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Có địa phương không huy động được vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia

PHẠM ĐÔNG LDO | 07/08/2023 18:39

Kết quả giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh đạt rất thấp, áp lực giải ngân số vốn còn lại lớn. Nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình giảm mạnh, có địa phương không huy động được.

Chiều 7.8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” chủ trì tổ chức phiên họp thứ 3.

Theo đó, sau thời gian tiến hành giám sát tại 11 bộ, ngành Trung ương và 15 tỉnh, thành phố, tại phiên họp thứ 3 này, Đoàn giám sát tập trung cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 tới.

Tại phiên họp, Đoàn giám sát đã nghe 3 Đoàn công tác báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày báo cáo kết quả giám sát sơ bộ của Đoàn công tác số 1 giám sát tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, các địa phương đều rất quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch năm 2023, tuy nhiên, có một số khó khăn lớn.

Đó là kết quả giải ngân giai đoạn 2021-2023 đạt rất thấp, áp lực giải ngân số vốn còn lại lớn. Nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình giảm mạnh, có địa phương không huy động được.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan trình bày báo cáo của Đoàn công tác số 2, giám sát trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An.

Báo cáo nêu rõ, sau 2 năm triển khai thực hiện, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, quản lý và triển khai ở trung ương và địa phương còn có khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Tuy nhiên việc tháo gỡ, xử lý còn chậm, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với pháp luật chuyên ngành, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Toàn cảnh phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Đoàn công tác số 3, giám sát tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk.

Trong đó nêu rõ, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện vì Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguồn ngân sách trung ương được giao chi tiết theo từng dự án.

Trong khi đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới căn cứ vào tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo từng lĩnh vực chi, dự án, nội dung thành phần.

Việc phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình nông thôn mới phải bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, địa bàn, phạm vi, đối tượng, đầu tư với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững.

Một số địa phương chỉ lồng ghép được nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, báo cáo của 3 Đoàn công tác là cơ sở để xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chung của Đoàn giám sát. Trong đó, cần đánh giá kết quả bước đầu việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã tác động đến sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, hành động của Chính phủ, địa phương ra sao?

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo báo cáo tập trung đánh giá kết quả thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia và khái quát kết quả của 3 Chương trình trong công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm khi triển khai thực hiện 3 chương trình, nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, đồng thời xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan cũng như trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn