MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Bùi Văn Xuyền trao đổi với PV. Ảnh CN.

"Có DN biên bản xử phạt xếp dày như vở học sinh nhưng không chấp hành"

C.NGUYÊN - T.VƯƠNG - Đ.CHUNG LDO | 10/06/2020 15:48

Các Đại biểu Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về bổ sung quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay chỉ là biện pháp ngăn chặn.

Ngày 10.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận liên quan đến đề xuất “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Vấn đề đặt ra là nên coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế với những lập luận mà Chính phủ nêu ra là ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương.

Vị đại biểu này dẫn thực tế qua giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường năm 2018, 2019 cho thấy có khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, thậm chí không những không chấp hành mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, để áp dụng ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn thì cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao.

Trong khi đó đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Đoàn TP.HCM) ủng hộ đề xuất trên của Chính phủ. Ông cho hay đoàn TP.HCM đi giám sát về vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các khu công nghiệp sản xuất tập trung. “Có doanh nghiệp biên bản xử phạt vi phạm hành chính xếp 1 tập dày gần như vở học sinh nhưng họ không chấp hành, nhưng rồi không thể nào cưỡng chế được”, ông Khuê nói.

Ủng hộ việc bổ sung quy định trên vào dự thảo, tuy nhiên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) cho rằng có lúc đây là biện pháp chăn chặn, có lúc là biện pháp cưỡng chế. Ông dẫn chứng, xây nhà trên núi vi phạm thì cắt luôn điện nước là hợp lý. Nhưng ở khu dân cư, hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá… vi phạm thì việc cắt điện cắt nước phải thận trọng. “Khi áp dụng biện pháp này, chính quyền địa phương phải rà trường hợp cụ thể để áp dụng. Chứ trong một nhà mà ông chồng vi phạm rồi cắt điện, nước thì vợ, con họ sống thế nào”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng phản đối quy định cắt điện, nước. Theo ông quy định này thể hiện sự bất lực của cơ quan nhà nước.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật không đồng tình về đề xuất coi ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hành chính và cũng không nên lập luận áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác như giải phóng mặt bằng.

“Dù là xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự thì đều phải đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Tôi đồng ý ngừng cung cấp điện, nước chỉ là biện pháp ngăn chặn với điều kiện sử dụng điện nước là tiền đề, điều kiện để vi phạm hành chính”, ông Xuyền nói.

Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật khi thẩm tra dự án luật cũng tán thành với loại ý kiến chỉ bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn