MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Pano, áp phích chào đón năm mới trước trụ sở UBND TP Hà Nội. Ảnh: VGP

Cơ đồ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng sau gần 40 năm đổi mới

Vương Trần LDO | 03/02/2024 16:17

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước gần 40 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thành tựu nổi bật sau gần 40 năm đổi mới

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ những thành tựu của đất nước ta suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó có những thành tựu rất to lớn sau gần 40 năm đổi mới.

PGS.TS Lê Quốc Lý nhận định: Về thành quả của đất nước, Đại hội XIII và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đường lối đổi mới ra đời đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.

PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.Vương

PGS.TS Lý phân tích, nếu xét về diện tích, nước ta có hơn 330.000 km2, đứng thứ 61 trên thế giới. Về quy mô dân số, nước ta có hơn 100 triệu người, đứng thứ 16 thế giới, trong đó có khoảng 53 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên.

Nếu xét về quy mô, nền kinh tế của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.

Có thể thấy rằng, từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng, GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ (USD). Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì nay (năm 2023), GDP bình quân đầu người là 4.300 USD.

Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).

Xuất khẩu năm 1990 chưa được 1 tỉ USD thì nay chúng ta đã xuất khẩu được 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD.

“Những con số đó cho thấy tiềm lực và quy mô nền kinh tế của chúng ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Và cũng chính từ đó, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao” - ông Lê Quốc Lý nhấn mạnh.

Uy tín, vị thế quốc tế tăng cao

Theo nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nền kinh tế của nước ta bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Cùng với đó, phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.

Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Điều này cho thấy, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất cao. Điều này cũng thể hiện cho quan điểm "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" mà Đảng ta đã khẳng định" - ông Lý nói.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, tiến trình chính trị nước ta kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đến nay luôn đồng hành cùng tiến trình phát triển dân tộc. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, làm nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Đó chính là cơ đồ đất nước ngày nay. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta sẽ tiếp tục vững bước vào thế kỉ XXI đầy khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn