MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh: Trần Vương

Cơ duyên kể chuyện xúc động về Bác Hồ của Giáo sư Hoàng Chí Bảo

PHẠM ĐÔNG thực hiện LDO | 19/05/2020 12:03
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - người đã dành hơn 50 năm nghiên cứu, sưu tầm, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những câu chuyện cùng giọng nói truyền cảm của mình, ông đã có hàng nghìn buổi kể cho người nghe câu chuyện về Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh?

- Đối với tôi việc nghiên cứu và kể chuyện về Bác có một cái gì đó được xem cơ duyên. Bản thân tôi khi mới 20 tuổi đã là một nhà giáo, dạy văn học cho học sinh phổ thông thơ văn của Bác, trong đó có tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Đó là điểm xuất phát đầu tiên để tôi tìm đến với Bác, đó cũng là khởi đầu cơ duyên để tôi đến với Bác.

Tôi cũng đã từng được dự Lễ tang Bác Hồ vào năm 1969 và nghe những lời điếu văn hết sức xúc động về Bác. Sau đó, bản Di chúc của Bác Hồ được công bố càng giúp mọi người hiểu rõ hơn về một vị lãnh tụ suốt đời lo cho nước, vì dân. Từ đó, tôi nguyện để tâm nghiên cứu về Bác Hồ.

Được biết ông đã có hàng chục năm, với hàng nghìn buổi kể chuyện về Bác Hồ, vậy ông có bí quyết gì để cuốn hút được người nghe, người xem trong những câu chuyện?

- Đây là 1 sự tu dưỡng về văn hóa, rèn luyện về đạo đức con người. Dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong tôi càng thêm thấu hiểu và thấu cảm về Bác. Chính vì vậy, tôi mới có hy vọng truyền đến cho người nghe, người đọc hiểu hơn về cuộc đời của Người.

Nếu bản thân mình không xúc động thì đừng có hy vọng tạo xúc động cho người khác. Nếu trái tim của mình không rung động thì cũng đừng làm rung động trái tim khác. Còn nếu mình có một sự chân thành, trái tim rung động thì từ trái tim sẽ đi đến trái tim, một sự cộng hưởng để truyền cảm hứng, niềm tin và xúc động cho con người.  

Vậy theo ông buổi kể chuyện nào khiến ông ấn tượng nhất?

- Trong hàng nghìn lần kể chuyện cho mọi người nghe như vậy thì tôi rất ấn tượng mãi trong tâm trí mình về những người khiếm thị. Họ không nhìn thấy gì nhưng cũng khóc khi nghe nói về Bác. Với một sự thương cảm chân thành, tôi mở đầu rằng: “Các bạn có một thiệt thòi trong số phận của mình là không có ánh sáng để nhìn thấy con người và cuộc đời mình. Tuy nhiên, các bạn có một trái tim xúc động để có thể nhìn thấy người khác. Thậm chí các bạn có thể tưởng tượng ra Bác Hồ trong tấm lòng của mình bằng trái tim”. Từ đó họ đã nghe và khóc đến như thế. Nhiều người còn khát khao vươn lên tiến bộ về sự nghiệp, họ có sự phấn đấu và cố gắng rất đáng được ghi nhận. 

Chúng ta phải học, học suốt đời, học dân, học mọi người và Bác cũng làm như thế. Cần học trong cuộc sống, học trong nhân dân để có thể trở thành tin cậy của nhân dân.

Dành trọn cả cuộc đời mình để kể chuyện về Bác Hồ, đối với ông câu chuyện nào khiến ông cảm động, khắc ghi nhất trong hàng nghìn câu chuyện cảm xúc đó?

- Kể về Bác thì phải nói về những giây phút những năm tháng cuối đời của Bác. Khi Bác ốm nặng thì bác sĩ có đề nghị chuyển Bác xuống một nhà khác, không để nhà sàn vì rất nguy hiểm khi đi cầu thang. Bên cạnh đó, những ngày ấy, đê vỡ, lũ lụt như vậy thì Trung ương cũng có ý định mời Bác đi dưỡng bệnh ở nơi khác cho an toàn. Vì thời điểm đó nếu không giữ được đê thì phương án xấu nhất là Hà Nội sẽ ngập trắng nước. Mọi người lo lắng nhưng Bác khóc và nói: “Bác không thể bỏ dân mà đi được, các chú đưa Bác đi thì chỉ đi được một mình Bác thôi, còn dân, các chú tính sao”.

Từ những nghiên cứu về Bác Hồ, ông đã học được gì từ đức tính, sự giản dị, ân cần của Bác?

- Với những ai nghiên cứu về Bác cũng phải tự mình rút ra những bài học kinh nghiệm học Bác những gì. Riêng bản thân thì tôi thấy cần học Bác sự thành thật, đức tính trung thực, điều này rất quan trọng. Là một nhà giáo, nhà khoa học thì đức tính trung thực phải đặt lên hàng đầu cho các phẩm chất về nhân cách. Và không ai khác, chính Bác là những người mẫu mực về sự trung thực. Cần có sự chân thành, đối xử với mọi người, công việc và anh em bạn bè.

Tiếp đó, phải học Bác sự khiêm tốn. Việc Bác từ chối nhận huân chương, không màng danh lợi rất đáng để chúng ta suy ngẫm. 

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn