MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Có hiện tượng vào hợp tác xã rồi chuyển nhượng, thâu tóm trục lợi

PHẠM ĐÔNG LDO | 05/04/2023 13:39

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, thực tế có hiện tượng “chui” vào hợp tác xã rồi chuyển nhượng, thâu tóm, nên dự thảo chỉ đang cho phép chuyển nhượng giữa nội bộ thành viên hiện hữu, không cho chuyển nhượng ra bên ngoài.

Không để hợp tác xã “chết” mà không được “chôn”

Sáng 5.4, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). 

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, về vấn đề giải thể tổ chức kinh tế hợp tác đang có hai mâu thuẫn: Dự thảo quy định chỉ được giải thể khi tổ chức thanh toán hết nợ, nghĩa vụ tài chính khác mà không có tranh chấp tại tòa, đồng thời quy định tòa án có thể ra quyết định giải thể.

Ông Lâm nêu ý kiến: "Làm thế nào thì làm để hợp tác có thể giải thể được chứ không để hiện trạng hợp tác xã chết mà không được chôn. Đây là hiện trạng, đặt ra vấn đề giải quyết trong luật này như thế nào đề nghị nghiên cứu". Ông đề nghị quy định chuyển từ nghĩa vụ nợ của pháp nhân đã phá sản sang cá nhân hoặc giải quyết theo thủ tục phá sản khi không còn hoạt động.

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Ngoài ra ông Lâm cũng cho biết, dự thảo hiện không đặt vấn đề chuyển nhượng vốn góp, tránh việc mua bán cổ phần, vốn góp như doanh nghiệp.

Song quy định vậy chưa thuyết phục, bởi vốn của các thành viên hợp tác xã góp là tài sản và quyền tài sản đối với mỗi cá nhân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

"Đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể lại bị hạn chế quyền tài sản này. Cụ thể không được mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì rõ ràng là hạn chế quyền tài sản. Khi hạn chế như vậy sẽ không ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa", ông Lâm đề nghị nghiên cứu xem xét thêm, không nên giới hạn quyền mua bán, chuyển nhượng của các thành viên đóng góp tài sản vào tổ chức.

Còn trong trường hợp chuyển nhượng làm thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã.

"Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới, như vậy sẽ không có gì khó khăn, phức tạp", ông Lâm nêu.

Đại biểu Trần Văn Lâm nêu dự thảo quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã là chưa thuyết phục.

Ông Lâm nhấn mạnh, trung tâm cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước phải trả phí hay cung cấp cho đơn vị nào khai thác thông tin của hệ thống này thì họ phải trả phí.

"Còn với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký vào đây đáng lẽ phải trả phí cho chúng tôi thì lại bắt trả phí nuôi các anh. Việc này không thuyết phục", ông Lâm nói thêm.

Chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã

Còn đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.

"Việc cho phép chuyển nhượng phần góp vốn sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của doanh nghiệp", đại biểu Thuý nói.

Đại biểu Ma Thị Thúy. Ảnh: QH

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, thực tế có hiện tượng “chui” vào hợp tác xã rồi chuyển nhượng, thâu tóm nên dự thảo chỉ đang cho phép chuyển nhượng giữa nội bộ thành viên hiện hữu, không cho chuyển nhượng ra bên ngoài.

Bên cạnh đó còn khống chế tỷ lệ vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.

“Chúng tôi cố gắng đưa ra van, khoá để chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn