MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trần Văn Khải. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến

Vương Trần - Cường Ngô LDO | 31/10/2023 18:45

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng, Việt Nam sẽ trở nên khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam cần đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31.10, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - cho rằng, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng lĩnh vực chip, bán dẫn, dự báo nước ta cần đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2025 - 2030. Điều này cho thấy sự “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào.

Ông Khải cho rằng, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào… nhưng nếu chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ hạ cánh, đẻ trứng vàng” cho chúng ta.

Rõ ràng, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất của chúng ta lúc này là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động.

"Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến và như nhà hiền triết người Mỹ Jackson Brown đã nói: “Không có gì đắt hơn một lần bỏ lỡ cơ hội”. Chính vì vậy, chúng ta không được phép bỏ lỡ cơ hội quý giá này. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ trở nên khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Khải nói.

Dồn vốn cho sản xuất, kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro

Thảo luận về các động lực tăng trưởng kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) - bày tỏ lo ngại khi các động lực tăng trưởng chính (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng) đang suy giảm.

Về trụ cột đầu tư, giải ngân đầu tư công tới hết tháng 9 đạt gần 51,4% nhưng chưa đạt kỳ vọng. Trong bối cảnh đầu tư công chưa nhiều đột phá, đầu tư nước ngoài tăng thấp, đầu tư tư nhân là trụ cột quan trọng nhưng đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,3%, bằng 1/6 so với trước dịch (17,3%).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Trụ cột tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa vững chắc khi quý 1 tăng 13,9% nhưng tới quý 3 giảm về 7,3%. Xuất khẩu ước đạt 466,2 tỉ USD, giảm 8,2%, dự báo năm nay xuất khẩu tăng trưởng âm lần đầu từ năm 2019.

Tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng cũng được đại biểu dẫn ra từ báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11.10 đạt 6,29% so với 2022, chậm so với cùng kỳ, tăng 11,12%; tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 3%.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng báo cáo chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu. Trường hợp tăng trưởng tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu khi cung dư thừa, thị trường đang trầm lắng và niềm tin của người dân sụt giảm.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ vấn đề này, cân nhắc kỹ lưỡng nới lỏng điều kiện cho vay, có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng và kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn