MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Cơ hội rộng mở nhờ thế và lực mới sau năm đặc biệt thành công của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà LDO | 30/12/2023 08:17

Tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024 được nhận định là vô cùng rộng mở nhờ thế và lực mới sau năm 2023 cực kỳ thành công về ngoại giao với hàng chục chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam cũng như nhiều chuyến thăm của người đứng đầu nhiều nước và tổ chức quốc tế tới Việt Nam, trong đó có 2 chuyến thăm vào những tháng cuối năm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phát huy thế mới và lực mới

Phát biểu tại nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, ngành ngoại giao và đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước. Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: “Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Mỹ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện”.

Năm 2023 đánh dấu hoạt động đối ngoại sôi động và nhiều dấu ấn nổi bật trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay: “Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức tốt 15 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 21 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Điều đó đã khẳng định được tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, UNESCO… cũng như đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ…”.

Kiến tạo không gian phát triển mới

Theo TTXVN, ông Grigory Trofimchuk - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Khoa học Ý tưởng Á - Âu của Nga - đánh giá, Việt Nam đang vươn tầm ảnh hưởng ra hầu hết các châu lục trên thế giới, đến tận Trung Đông, châu Phi với nhiều mức độ hợp tác khác nhau và đa dạng về lĩnh vực. Năm 2023 cũng là dấu mốc của bước chuyển về chất trong quan hệ giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Tiến sĩ Ruvislei González Saez thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba (CIPI), việc nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng trên trường quốc tế đánh dấu một năm đặc biệt thành công của ngoại giao Việt Nam. Trong khi đó, Tiến sĩ Beak Yong-hun - Phó Giáo sư Việt Nam học thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á và Trung Đông thuộc Đại học Dankook, Hàn Quốc - nhận định, cùng với các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, những bước tiến mới trong năm 2023 cho thấy, Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng, đậm bản sắc “ngoại giao cây tre”.

Tiến sĩ Bharti Chhibber - chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu về Việt Nam - nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên với chính sách đối ngoại thành công, nổi lên là chủ thể quan trọng trong thế giới đa cực, trường phái “ngoại giao cây tre” cùng với chính sách đối ngoại linh hoạt đã mang lại nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế trong năm nay.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong năm 2023, ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2023, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, Việt Nam đã ký FTA với Israel và đang tích cực đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các đối tác khác. Việt Nam cũng đã ký trên 70 văn kiện hợp tác của các Bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương cùng hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp.

Về phương hướng ngoại giao kinh tế năm 2024, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, “Công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt được thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ chúng ta vừa nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn