MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính sách thuế VAT đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Giảm thuế VAT là giúp kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hải Nguyễn

Có nên giảm 2% thuế VAT cho tất cả lĩnh vực?

Minh Ánh LDO | 01/11/2023 06:11

Doanh nghiệp cho rằng, cần áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tất cả các mặt hàng để “gỡ khó” cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh... Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, có nhiều lý do không nên áp dụng tràn lan chính sách này.

Kiến nghị nhiều lý do để giảm VAT cho tất cả các mặt hàng

Là kế toán cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công công trình, xây lắp, bà Trương Thị Thuỳ Trang - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng Mạnh Tuấn (Đan Phượng, Hà Nội) - cho biết, theo quy định miễn giảm thuế theo nghị định 44/NĐ-CP ngày 30.6.2023, giá trị khối lượng xây lắp thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 31.12.2023 phải xuất hóa đơn VAT là 8%.

Theo đó, “khi thực hiện hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư, công ty tôi xuất hóa đơn giá trị xây lắp với thuế xuất VAT là 8%. Tuy nhiên, một số hợp đồng thực hiện có các đầu mục hàng hóa như cửa khung nhôm kính, sơn, một số vật liệu thuộc ngành điện có vật liệu thuộc nhóm được giảm 2%, một số khác lại không. Vì vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi phân loại hàng hóa”.

Bà Trang kiến nghị cần áp dụng giảm thuế suất VAT cho tất cả các mặt hàng để hoạt động kinh doanh thêm phần thuận lợi trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên mới đây, Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.

Theo đó, VCCI chỉ ra rằng, nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Nhiều doanh nghiệp phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.

Bộ Tài chính cho rằng chưa nên thực hiện

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, có lý do để Bộ Tài chính không giảm thuế VAT cho tất cả các loại mặt hàng. Mục đích của chính sách nhằm hướng đến việc kích cầu tiêu dùng trong nước.

Với những mặt hàng không thuộc nhóm tác động đến tiêu dùng của người dân, Bộ Tài chính không cho vào mục được giảm để tránh làm hụt thu ngân sách nhà nước.

Việc giảm thuế VAT 2% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế của người nộp thuế, chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế. Tuy nhiên, dự kiến số thu ngân sách Nhà nước sẽ giảm khoảng 6,18 nghìn tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm thì tương đương ngân sách giảm thu khoảng 37,1 nghìn tỉ đồng.

Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị không thực hiện phương án này mà đề xuất tiếp tục phương án giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ như hiện tại đang áp dụng.

Phương án này dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỉ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỉ đồng.

Chưa nên áp dụng tràn lan chính sách giảm thuế VAT

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện có kiến nghị bổ sung đưa doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế VAT, song cần xem xét kỹ lưỡng đối với kiến nghị này.

“Mục tiêu giảm thuế VAT chủ yếu đối với nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và kích cầu tiêu dùng xã hội. Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, cần đánh giá, rà soát xem người dân được hưởng lợi như thế nào, đối với ngân sách Nhà nước tác động ra sao. Chúng ta không nên áp dụng tràn lan chính sách giảm thuế VAT trong bối cảnh hiện nay” - bà Nga cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn