MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cổ phần hoá DNNN, còn nhiều vướng mắc từ đất đai tới định giá

Khánh Hoà LDO | 28/05/2018 09:01

Bên cạnh những kết quả đạt được, Uỷ ban giám sát của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong đó có những tồn tại liên quan tới đất đai, định giá, quyết toán dẫn tới thất thoát vốn nhà nước.

Sáng 28.5, báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, công tác cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực trong đó giai đoạn 2011-2016 cả nước cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, 411 doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; 207 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm. Cụ thể, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều TCT tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài. 

Một số trường hợp chậm trễ trong việc đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện nội dung này. Chính sách bán cổ phần cho người lao động chưa bảo đảm tính ưu đãi nên chưa thu hút được người lao động...

Quá trình cổ phần hóa còn vướng mắc liên quan đến đất đai khi một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. 

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 còn tồn tại một số vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề tài chính doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp.

Công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá... Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp. 

Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Có hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm; doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất từ nhiều năm về trước nhưng chưa kê khai đăng ký, chưa ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương. 

Công tác quyết toán cổ phần hóa ở một số nơi thực hiện chậm so với quy định. Có trường hợp chậm nộp tiền cổ phần hoá để chiếm dụng vốn; sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp còn sai mục đích.  

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc, chưa có đầu mối tập trung thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. 

Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. 

Uỷ ban đánh giá một số Bộ ngành chưa làm tốt trách nhiệm cụ thể của mình trong quản lý nhà nước và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, còn để xảy ra các vụ việc sai phạm của các DNNN thuộc thẩm quyền quản lý, như Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông... Bên cạnh đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ chức năng chưa kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đồng thời chưa chỉ đạo sát sao việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt, một số Bộ, ngành, địa phương chậm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC.

Đối với chính quyền địa phương, việc quản lý đất đai ở một số nơi còn buông lỏng; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, tranh chấp; việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những lô, thửa đất có vị trí đắc địa, có giá trị thị trường cao còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội để một số tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. 

Sự phối hợp của chính quyền một số địa phương trong quá trình cổ phần hóa DNNN còn chưa chặt chẽ. Việc xử lý đất đai của các doanh nghiệp không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai chưa kiên quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn