MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh, cho đến nay số lượng DN cổ phần hoá vẫn không đạt yêu cầu đặt ra.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Có công ty chỉ thoái vốn được vài phần trăm

Lê Phương LDO | 28/05/2018 15:23

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 28.5 về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN giai đoạn 2011 – 2016, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng quá trình cổ phần hóa rất khó minh bạch, thực tế cho thấy có DN chỉ thoái vốn được vài phần trăm.

Theo ĐB Đỗ Văn Sinh, cho đến nay số lượng DN cổ phần hoá vẫn không đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt số lượng cổ phần muốn thoái ra đạt tỉ lệ rất thấp, có công ty chỉ thoái được vài phần trăm.

Thực tế này dẫn đến 2 việc: Thứ nhất, chúng ta muốn thoái ở một lĩnh vực cần thoái thì lại không thoái được; thứ hai, chúng ta muốn thoái để thực sự thay đổi hình thức quản trị và năng lực quản trị thì lại không đạt được mục tiêu vì cổ phần hoá không được quá 50% thì hội đồng quản trị và lãnh đạo, tổng giám đốc vẫn là những con người cũ.  

Về sử dụng tài nguyên đất khi xây dựng phương án cổ phần hóa, ĐB Sinh cho rằng người thực hiện xây dựng rất căn cơ và đã được phê duyệt thì đó là trách nhiệm của các chủ sở hữu quản lí vốn. Tuy  nhiên, sau khi DN đã cổ phần hoá xong thì người ta lại tính toán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đất thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Việc không tổ chức đấu thầu, đấu giá dẫn đến thất thoát trong mục đích chuyển đổi quyền sử dụng đất và đây là trách nhiệm thuộc UBND các tỉnh, thành phố.

Trao đổi về nguy cơ trục lợi từ cổ phần hoá, ông Sinh khẳng định: “Anh đánh giá về các DN không đầy đủ về giá trị tài sản, đặc biệt là giá trị thương hiệu. Có những thương hiện lẽ ra chúng ta phải đánh giá rất cao nhưng khi tính toán lại không đánh giá hết, đẫn đến nhà nước bị thiệt hại. Ngoài ra, quá trình công khai thông tin tiến hành cổ phần hoá chúng ta chưa minh bạch. Thời gian qua, Thủ tướng đã yêu cầu trước khi cổ phần hoá phải công khai minh bạch thông tin và có thể phải đưa lên thị trường chứng khoán trước khi tiến hành cổ phần hoá. Vừa rồi chúng ta đã thành công trong cổ phần hoá SABECO là do đã đánh giá đúng giá trị hoạt động của DN và giá trị thương hiệu dẫn tới chúng ta đạt được kết quả rất tốt”.

ĐB Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, hiện nay để 1 bộ hoặc 1 ngành chủ quản vừa làm công tác chủ sử hữu vừa làm công tác kiểm tra giám sát thì câu chuyện sẽ rất khó minh bạch. Thêm nữa, những người có tính chất tư túi thì câu chuyện đương nhiên sẽ không minh bạch và dẫn tới việc quản lí không tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn