MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp. Ảnh: Hiền Chi

Cơ quan Nhà nước sẽ không còn cơ chế đặc thù về tiền lương, phụ cấp

PHẠM ĐÔNG LDO | 23/05/2024 11:24

Từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2025, chỉ thị nêu rõ, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.

Đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; Kinh phí về chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.

Bảo đảm nguồn lực để tiếp tục triển khai chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.

Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN; xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện phân bổ trước ngày 31.12, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý về chi đầu tư phát triển: Kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2025 bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án, bảo đảm phân bổ, giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31.12.2024.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2024, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN theo đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2024 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù: Từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên.

Các đơn vị lập dự toán thu, chi năm 2025 trên cơ sở quyết định của có cấp thẩm quyền về cơ chế tài chính áp dụng từ ngày 1.7.2024 và cho năm 2025, phù hợp với Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn