MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong loạt phóng sự điều tra của Báo Lao Động thực hiện về việc truyền bá vong báo oán tại chùa Ba Vàng .

"Cơ quan quản lý phải kết luận rõ vụ truyền bá vong báo oán ở chùa Ba Vàng"

Nhóm PV LDO | 05/06/2019 14:14
Xử lý việc lợi dụng cơ sở thờ tự để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi từ văn hóa tâm linh... là những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa ra giải pháp ngăn chặn trong phiên chất vấn tại Quốc hội vào chiều 5.6.

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 5.6, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nhóm vấn đề chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện gồm: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quản lý hoạt động tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan, việc đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch…

Trao đổi bên hành lang Quốc hội trước phiên chất vấn Bộ trưởng VHTTDL, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo nhằm thu lợi nhuận kinh tế nên bằng cách này, cách khác hành nghề bói toán, mê tín dị đoan… làm cho người dân bị mê hoặc.

“Giải pháp khắc phục là tuyên truyền rộng rãi cho người dân điều gì là tín ngưỡng, điều gì là mê tín. Bên cạnh đó, cần có giải pháp ngăn chặn những trường hợp cá nhân lợi dụng tôn giáo làm cho người dân mê tín”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.

 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội).

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội), thời gian qua báo chí phản ánh việc giải oan kết ở chùa Ba Vàng, là người từng đọc và nghiên cứu kinh Phật, bà cho rằng việc giải oan kết phải làm bằng tâm của mình, bằng cách làm việc thiện, chứ không phải cúng nhiều tiền.

Cũng theo đại biểu Khánh, vừa qua báo chí phản ánh có một số người tổ chức những lễ giải vong ở chùa Ba Vàng, yêu cầu cúng tiền nhiều quá, quá sức của phật tử. Đại biểu cho rằng, khi báo chí phản ánh như vậy, thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ VHTTDL và cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem xét việc phản ánh có đúng hay không và có kết luận rõ ràng, công khai. 

Cũng quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn TP. Hà Nội) dẫn thực tế, vừa qua, có một số vấn đề mà người dân, xã hội quan tâm, bức xúc về hủ tục, mê tín dị đoan dẫn đến dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch có các giải pháp để lập lại trật tự này, giúp cho văn hóa, tín ngưỡng của người dân đi vào sinh hoạt lành mạnh và mang bản sắc văn hóa dân tộc là việc hết sức cần thiết” - Đại biểu Nguyễn Văn Chiến khẳng định.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt phóng sự phản ánh việc thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng.

Trước thông tin mà Báo phản ánh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có kết luận: Việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và Phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống.

Đồng thời, Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng. Giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh theo Luật Phật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn