MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quochoi.vn

Cơ quan thanh tra được trích một phần từ khoản tiền thu hồi qua thanh tra

Vương Trần LDO | 03/07/2023 18:35

Việc sử dụng nguồn kinh phí được trích một phần từ khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho cơ quan thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Thanh tra Chính phủ là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ ban hành Nghị quyết này.

Nêu sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay, Luật Thanh tra 2022 được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 14.11.2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2023) quy định tại khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022: “Các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”.

Do vậy, theo TTCP việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích một phần từ khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho cơ quan thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời có sự điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể như: Căn cứ Luật Thanh tra 2010, khoản 2 Điều 72 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22.9.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra đã quy định: “Các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”.

Để hướng dẫn thực hiện quy định này, ngày 30.5.2012, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 90/2012/TTLTBTC-TTCP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.

Sau 4 năm thực hiện, qua đánh giá có một số vướng mắc, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 327/2016/TT-BTC ngày 26.12.2016, thay thế Thông tư liên tịch số 90/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 30.5.2012.

Thực hiện Thông tư số 327/2016/TT-BTC, hàng năm các cơ quan thanh tra tổng hợp các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra đã nộp vào ngân sách nhà nước, lập dự toán sử dụng nguồn kinh phí được trích báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để phê duyệt, phân bổ cho cơ quan thanh tra quản lý, sử dụng.

Theo TTCP, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích từ khoản thu hồi thực nộp ngân sách nhà nước trong 5 năm qua đã được các cơ quan thanh tra triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật, hàng năm, cơ quan thanh tra đều lập dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định, có sự giám sát, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Khoản tiền các cơ quan thanh tra đã sử dụng từ nguồn kinh phí trích (1.837 tỉ đồng; bình quân 367 tỉ đồng/năm) chiếm khoảng 20,39% so với kinh phí chi thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan thanh tra.

Nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra đã bù đắp được sự thiếu hụt của nguồn ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức biên chế vì các cơ quan thanh tra là một trong 9 cơ quan trong khối Nội chính nên hoạt động có tính đặc thù, phức tạp, nhất là sự đấu tranh tiên quyết, quyết liệt trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương phép nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Xuất phát từ lý do trên, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra 2022 đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn