MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Ảnh: Quốc hội

“Cơ quan thống kê đang nắm giữ những mỏ vàng lộ thiên"

Đặng Chung LDO | 25/10/2021 17:55

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) ví von những người làm nhiệm vụ thống kê đang nắm giữ những “mỏ vàng lộ thiên”, chính là kho dữ liệu quốc gia khổng lồ. Cần phải áp dụng công nghệ số trong việc thống kê để kho tài nguyên này không bị lãng phí.

Không nên lãng phí kho tài nguyên khổng lồ

Chiều 25.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.  Mục tiêu của dự án luật nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030...

Góp ý về dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) cho biết, ban đầu ông rất háo hức khi đọc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, tuy nhiên sau khi đọc xong thì "rất hụt hẫng".

 Lý do, theo đại biểu Cường, số liệu thống kê là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mới đưa ra các chỉ tiêu cần thống kê chứ chưa đề cập đến việc đổi mới phương thức thống kê. Trong khi việc sử dụng công nghệ số hóa để hình thành nên kho dữ liệu quốc gia là yêu cầu quan trọng và ngành thống kê phải đi đầu.

Đại biểu Cường dẫn chứng, hiện nay kho dữ liệu thống kê được nhiều tổ chức, công ty phân tích dữ liệu bán, khai thác và thu được rất nhiều tiền.

“Hiện nay, số liệu thống kê không còn là con số khô khan, mà thực sự nó là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô giá, là tiền. Càng nhiều số liệu thống kê thì càng nhiều tiền, cơ quan thống kê phải là cơ quan giàu nhất...

Do vậy tôi kỳ vọng việc sửa đổi Luật Thống kê lần này phải luật hóa được việc kê khai, cung cấp các thông tin thống kê bằng công nghệ số, để hình thành nên kho dữ liệu quốc gia, về tất cả những thông tin kinh tế xã hội.  Nếu làm được điều đó thì đây là tiền đề để chuyển đổi số quốc gia. Có được dữ liệu số cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số”- đại biểu Cường nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, nếu vẫn duy trì cách thống kê thủ công như cũ, chỉ thêm các chỉ tiêu ở trong luật thì sẽ lãng phí kho dữ liệu khổng lồ.

Ngược lại, nếu áp dụng công nghệ số thì bất cứ sự chuyển động nào của nền kinh tế số đều được cập nhật nhanh chóng trong hệ thống thông tin quốc gia để hình thành bộ dữ liệu quốc gia, khi cần có thể trích xuất được ngay, để phục vụ cho việc phân tích, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

“Nếu ngành thống kê không chuyển đổi số, không có được kho dữ liệu tự động thì không thể nào có được cơ sở tiên quyết cho việc phát triển kinh tế số như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đưa ra”- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Cường cũng ví kho tài nguyên số như những mỏ vàng lộ thiên, không cần phải gia công đào bới, chỉ cần click chuột là ra các biểu mẫu thống kê, thông tin đáp ứng được nhu cầu của người dùng, chuyển thành tiền.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội 

Tại hội trường, tiếp thu, giải trình thêm về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ rất ý thức và cố gắng ở mức độ cao nhất, để rút ngắn thời gian thống kê, giảm chi phí, như hiện nay nhiều công việc thống kê đã không dùng giấy nữa.

“Chúng tôi tiếp thu ý kiến và sẽ cố gắng dùng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả thống kê”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bổ sung số liệu thống kê về đối tượng yếu thế

Cũng góp ý về dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm các chỉ tiêu thống kê, trong đó có số liệu về nhóm người yếu thế như trẻ em, phụ nữ.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) đề xuất cần bổ sung thống kê tỉ lệ trẻ em nghèo, yếu thế để có những giải pháp ngăn ngừa xâm phạm trẻ em, cơ sở để hoạch định chiến sách trẻ em khi bị tác động tiêu cực của thiên tai dịch bệnh.

“Chẳng hạn dịch COVID-19 đã làm hơn 2.000 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa và dự báo sẽ gây tác động tiêu cực lâu dài đến với sự phát triển của trẻ em.

Tôi đề nghị cần luật hóa, đưa vào danh mục thống kê với nhóm đối tượng này để làm cơ sở định hướng thực hiện các vấn đề kinh tế xã hội liên quan đến trẻ em Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia”-  đại biểu Minh Trang nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn