MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cơ sở mà không yên, một “đốm lửa nhỏ” cũng có thể bùng thành "điểm nóng"

Vương Trần LDO | 11/09/2020 12:22

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ sở mà không yên, không an ninh, không trật tự, chỉ cần ở đâu đó “một đốm lửa nhỏ” có thể bùng ra thành “điểm nóng".

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, sáng 11.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật gồm 5 chương, 35 điều, điều chỉnh thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung, bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền cơ sở.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về Dự án Luật. Ảnh Quochoi.vn

Lực lượng này có tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân, bao gồm: được hỗ trợ hàng tháng theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định; được bảo đảm các điều kiện để hoạt động như bố trí địa điểm, nơi làm việc, bảo đảm cơ sở vật chất, trang phục; được giải quyết chế độ khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, hy sinh.

Nêu ý kiến thảo luận, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề ổn định ở cơ sở là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt trong một xã hội lớn, gần 100 triệu dân như ở nước ta.

“Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu và đánh giá về tổ chức địa bàn hiện nay như thế nào? Ở địa phương có cần thiết phải có thêm lực lượng này không?” - ông Bình nêu ý kiến và cần đánh giá rõ việc này. Trong tương lai đội ngũ của tổ chức này như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội lưu ý không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự ở cơ sở. Ảnh Quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, có nhiều mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng bảo đảm an ninh trật tự như câu lạc bộ phòng chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố,… phải được đánh giá tổng kết để xác định cần duy trì hay đưa vào quy định trong Luật. Do đó Luật cần làm rõ mối liên hệ với các tổ chức tự quản đã hình thành và hoạt động hiệu quả.

Nhấn mạnh lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, bản chất là mô hình tự quản của quần chúng ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng Công an. Bên cạnh đó xác định rõ tính chất phối hợp, hỗ trợ, bảo đảm không chồng lấn khi 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cơ bản bao quát hết các nhiệm vụ, nội dung bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở của Công an cấp xã.

“Nên chăng lực lượng này phải do quần chúng lựa chọn, được UBND cấp xã công nhận và Công an cấp xã hướng dẫn về nghiệp vụ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật. Trong các chỉ đạo cũng luôn luôn hướng về cơ sở, đảm bảo cho cơ sở không xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự. “Cơ sở mà không yên, không an ninh, không trật tự, chỉ cần ở đâu đó “một đốm lửa nhỏ” có thể bùng ra thành “điểm nóng”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn