MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dùng súng săn, súng tự chế xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng người khác có thể bị xử lý hình sự. Ảnh: Bộ Công an

Có thể bị xử lý hình sự khi sử dụng súng săn, súng tự chế

Vương Trần LDO | 24/06/2024 14:12

Tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, có thể bị xử lý hình sự.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thảo luận ở tổ, ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đó là quy định liên quan tới "vũ khí quân dụng".

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, phân biệt rõ từng trường hợp cụ thể được xác định là vũ khí quân dụng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật rà soát, chỉnh lý nội dung và chỉnh sửa kỹ thuật lập pháp tại khoản 2 Điều 3 quy định về “vũ khí quân dụng” bao gồm:

Các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành;

Vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 3 và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này;

Các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao nhằm mục đích sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật.

Như vậy, với quy định giải thích từ ngữ “vũ khí quân dụng” như khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật, tùy theo hành vi và tội danh cụ thể, người sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc “dao có tính sát thương cao” để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, có thể bị xử lý hình sự về tội danh liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng (theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự) hoặc bị áp dụng tình tiết tăng nặng liên quan đến sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, rà soát để hướng dẫn cơ quan chức năng sửa đổi hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về xác định tình tiết tăng nặng trong một số tội danh trong Bộ luật Hình sự có quy định sử dụng vũ khí là tình tiết tăng nặng.

Dự kiến vào cuối kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Gần 1.800 vụ dùng súng tự chế gây án trong 5 năm qua

Theo báo cáo của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cho thấy, trong tổng số 2.113 vụ/3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án, có 1.783 vụ/2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án (gấp 6 lần số vụ, 5 lần số đối tượng so với sử dụng trái phép súng quân dụng), nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, một số vũ khí được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), một số là vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng bắn đĩa bay) và nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong Luật hiện hành, vì vậy cần phải bổ sung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn