MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết công tác chuẩn bị dự án đầu tư là một khâu yếu. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Có tình trạng vốn nằm chờ dự án đủ thủ tục

Nhóm PV LDO | 23/10/2023 18:47

Qua giám sát thực tế và báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm; tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục” tiếp tục diễn ra.

Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm

Chiều 23.10, tại Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng cho biết: Về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ.

Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng, việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nơi còn chậm và thực hiện nhiều lần trong năm; việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao;

Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án...

Tại chương trình kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh đã báo cáo Thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Mạnh, qua giám sát thực tế và báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm.

Qua 3 năm 2021-2023, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần trước khi giao KHĐTCH, nhưng vẫn còn 7% KHĐTCTH chưa được giao do các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách trung ương hết sức khó khăn

Ông Mạnh cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện và giao nhiều lần trong năm 2021, 2022 dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao;

Công tác chuẩn bị dự án đầu tư là một khâu yếu, tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công, dẫn đến “vốn chờ dự án đủ thủ tục” đang tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện.

Tiến độ giải ngân mặc dù đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo đôn đốc bằng nhiều Nghị quyết, chỉ thị, tổ chức hội nghị trực tuyến, kiểm tra thực tế song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt thấp.

Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa thực sự thành công. Qua 3 năm triển khai, mới có kết quả được 1/24 dự án...

"Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn.

Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn NSTW là hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại của KHĐTCTH trong khi vai trò chủ đạo của NSTW chưa đảm bảo, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc NSTW dự kiến hụt thu lớn"- ông Mạnh cho hay.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn thực tế, tình hình giải ngân vốn đã phân bổ 3 năm qua, tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn