MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Còn nhiều bất cập trong quản lý đê điều

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG LDO | 23/11/2019 08:20

Ngày 22.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến phạm vi điều chỉnh; ngân sách phòng, chống thiên tai; những vi phạm trong quản lý đê điều… Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị, sửa đổi Luật Đê điều lần này cần có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê.

Quản lý các khu vực bãi bồi, cù lao còn khó khăn

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, với Dự thảo về nội dung bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành. Theo ông, việc bố trí nguồn ngân sách này bảo đảm sự chủ động và giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như xây dựng, yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chữa, xây dựng các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn thiết.

Còn về việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đại biểu Thành đề nghị cần cân nhắc, bởi việc kêu gọi tiếp nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua Hội Chữ thập đỏ là tổ chức được Chính phủ giao là đầu mối quản lý tiếp nhận viện trợ nhân đạo. “Việc hình thành quỹ tại Bộ NNPTNT cần xem xét có chồng chéo hay không và trong trường hợp các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ thông qua các dự án phòng, chống thiên tai thì lại được quản lý theo ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách”, ông Thành nêu.

Liên quan đến Luật Đê điều, nhiều ý kiến nêu rõ, thời gian qua, việc quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông rất khó khăn, bất cập, thậm chí buông lỏng nên có nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm do liên quan đến các luật khác, do e ngại, nể nang. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu thực tế, các bãi bồi, cù lao là do chính quyền cấp xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Do đó, đã có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép. Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi đê đã ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói mòn đê. Từ thực trạng này, đại biểu Hòa kiến nghị, sửa đổi Luật Đê điều lần này cần có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê.

Nghiên cứu bảo vệ bờ biển hiệu quả hơn

Tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng. “Thời gian qua, nhiều đoạn bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng. Có nơi, mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20 đến 30m. Có nơi cách đây 30 năm, đê biển được đầu tư xây dựng cách bờ biển hơn 1km nhưng nay chỉ còn đê biển và đê biển này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, cần có nghiên cứu và đưa ra giải pháp bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả”, đại biểu Trí nói.

Từ đó, theo vị đại biểu này việc quy định chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết. Bởi công tác phòng, chống thiên tai là một trong những công tác khó và phức tạp đối với Việt Nam và một số nước.

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, thiên tai thường gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và tính mạng con người, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, làm cho tính chất và mức độ của thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn. Ông cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đóng góp của đại biểu, cùng cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn