MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (ngoài cùng, bên phải) trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo Bình Định. Ảnh: TTTT Bình Định.

Công bố quy hoạch Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Xuân Nhàn LDO | 23/12/2023 12:58

Ngày 23.12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Dự và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Quy hoạch được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định 1619/QĐ-TTg ngày 14.12.2023. Theo đó, đến 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch, văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột: Tăng trưởng công nghiệp; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa, đô thị thông minh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: TTTT Bình Định.

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm. Cơ cấu kinh tế đến 2030: Nông nghiệp chiếm 16,8% - 17,5%; công nghiệp - xây dựng 41,3% - 43,3%; dịch vụ 34,8% - 35,9%. GRDP bình quân đầu người 204 - 213 triệu đồng (tương đương 7.500 - 7.900 USD). Đến 2030, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 30 - 35 nghìn tỉ đồng/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 800 - 850 nghìn tỉ đồng (29 - 30 tỉ USD). Kinh tế số chiếm 30% GRDP.

Về xã hội, dân số toàn tỉnh khoảng 1,6 triệu người; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 60%; có 90% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm từ 3 - 4%; năm 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2%. Tỉ lệ lao động có việc làm trên tổng số lao động của tỉnh đạt 97,9%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 76%...

Đến 2030, Bình Định là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỉ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây...

Dịch vụ cảng biển - logistics là một trong 5 trụ cột phát triển của Bình Định, theo quy hoạch. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá: “Quy hoạch tỉnh Bình Định được được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Định khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách chi tiết, khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương; huy động tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn