MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình "Ký ức màu cờ" được công chiếu, tuyên truyền hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh NK.

Công chiếu chương trình “Ký ức màu cờ” trước thềm Đại hội XIII

Vương Trần - Ngô Khiêm (thực hiện) LDO | 05/12/2020 19:01
Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chương trình được mang tên trình “Ký ức màu cờ” như một “bảo tàng ký ức”, nơi mọi người có thể chia sẻ về tuổi trẻ đầy khát khao, cống hiến của mình được giới thiệu với công chúng vào 20h ngày 5.12.

Để tìm hiểu rõ hơn về chương trình, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng Ban VTV6 đồng thời là MC của chương trình “Ký ức màu cờ”.

Họ là những “bảo tàng sống”

PV: Là chương trình tuyên truyền phục vụ Đại hội XIII của Đảng, được biết ekip “Ký ức màu cờ” đã tạo ra một “bảo tàng ký ức” để giới thiệu với khán giả những câu chuyện hay. Chị có chia sẻ gì về điều này?

-Nhà báo Diễm Quỳnh: “Bảo tàng ký ức” là Format chương trình mà chúng tôi đã tạo ra trong thời điểm COVID-19 lần thứ nhất vào tháng 4 năm nay trong chương trình “Ký ức hòa bình” về ngày 30.4.

Sau khi làm xong chương trình này thì tự ekip cảm thấy cách làm này tạo hứng khởi cho cả người làm lẫn người xem. Vậy nên khi nhận đề tài là những câu chuyện ký ức để hướng tới chào mừng Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi một lần nữa trở lại với Format này để xây dựng chương trình “Ký ức màu cờ”, giúp những câu chuyện quá khứ được kể nên một cách sinh động, hấp dẫn.

Đó cũng là mong muốn để người trẻ ham thích xem những chương trình về đề tài lịch sử và truyền thống hơn. Đây là sản phẩm của ekip trẻ, từ kịch bản đến dàn dựng đều là các bạn cuối 8x đầu 9x, có bạn chưa từng làm đề tài lịch sử truyền thống. Việc trở thành MC dẫn dắt theo cách thể hiện của các tác giả trẻ là trải nghiệm rất khó quên đối với tôi.

PV: Tuy nhiên dù cố gắng đến mấy thì khai thác một vấn đề đã cũ bằng một góc nhìn mới, mang hơi thở cuộc sống hôm nay, chắc chắn sẽ đem đến cho chị và các đồng nghiệp không ít khó khăn?

-Nhà báo Diễm Quỳnh: Khó khăn là những câu chuyện này năm nào cũng được khai thác đi khai thác lại. Nếu như theo thời gian trôi đi thì nhiều nhân vật đã không còn đủ sức khỏe, nếu không muốn nói là nhiều bác đã không còn. Thế nhưng khi đã giải mãi được khó khăn này rồi thì hơn ai hết, các nhân vật đều là những người có bề dày thành công, có dấu ấn lớn lao trong quá khứ, những Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những huyền thoại về chiến đấu hy sinh và cả những người đã tạo ra chiến công thầm lặng.

Họ là “bảo tàng sống” và khi các phóng viên trẻ tiếp cận được thì câu chuyện mở ra vô cùng cởi mở, chân tình. Chúng tôi tìm thấy ở những đại diện của thế hệ đi trước không chỉ là vốn sống, trải nghiệm về cuộc đời mà cả tình yêu thương và sự tin cậy khi gửi gắm lại câu chuyện quá khứ của mình cho lớp trẻ. Làm chương trình này thuận lợi lớn nhất là chúng tôi đã nhận được nhiều năng lượng từ tình yêu của nhân vật dành cho những người thực hiện chương trình.

Sức lay động ở cảm xúc

PV: Làm một chương trình công phu trước thềm Đại hội XIII của Đảng, ekip muốn gửi gắm điều gì đến với khán giả, nhất là với khán giả trẻ?

-Nhà báo Diễm Quỳnh: Thực ra điều mà chúng tôi nhận được khi làm chương trình này cũng là điều chúng tôi muốn nói với khán giả : Quá khứ là một kho báu. Có thể giờ phút này nói ra điều này cũng hơi khó để chia sẻ, thế nhưng với tất cả những người làm “Ký ức màu cờ” thì chúng tôi may mắn được “chạm tay” vào kho báu, được trò chuyện với những nhân chứng sống mà chỉ 1, 2 năm nữa khi họ không còn nữa thì các nhân chứng ấy sẽ mang đi theo cuộc đời họ những gì thuộc về lịch sử. Chỉ một suy nghĩ thôi, chúng tôi nghĩ là mình may mắn khi được gần gũi và trò chuyện cùng họ.

Thông điệp của các nhân vật truyền cho chúng tôi là: Hãy hiểu quá khứ để vững tin vào hiện tại và sống vì tương lai. Tôi nghĩ đó là thông điệp xuyên suốt của chương trình. Chỉ có điều là người trẻ thì có cách suy nghĩ và cách xem chương trình rất khác nhau. Có người xem rất kĩ sẽ nhận ra điều đó còn những người xem không kĩ sẽ thấy đây là chương trình có nhiều thông tin hay và tất nhiên chiều sâu, lớp trầm lắng của chương trình thì còn phục thuộc vào từng khán giả. Với ekip thì chúng tôi luôn tìm mọi cách để điều đó trở nên rõ ràng nhất nhưng cũng không hẳn là những thông điệp nói thành lời. Vậy nên còn chờ sự đồng điệu của khán giả khi chương trình được phát sóng.

PV: Do tính chất của một chương trình mang tính ký ức, các nhân chứng đều là những cao tuổi vậy việc kiểm tra chéo giữa ký ức với những tư liệu lịch sử có phải là một thách thức quá lớn với ekip?

- Nhà báo Diễm Quỳnh: Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của các chương trình trên sóng VTV. Các nhân thân nhân vật được tra cứu qua sách vở, tài liệu là nhiệm vụ bắt buộc của chúng tôi. Gọi là thách thức thì không phải, bởi đó là nhiệm vụ. Và đã được làm với niềm mong muốn và yêu thích thì chúng tôi nghĩ là một nhiệm vụ khá thú vị. Khi gặp một nhân vật hay, sau đó tìm hiểu sâu hơn về nhân vật, chính là niềm cảm hứng để phóng viên làm chương trình được tốt hơn.

Xin cảm ơn nhà báo Diễm Quỳnh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn