MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Hồng Tư - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - đọc sách Nam Bộ kháng chiến, nhớ về những kỷ niệm năm xưa của tổ chức Công đoàn. Ảnh: Nam Dương

Công đoàn Xung phong trong ngày đầu Nam Bộ Kháng chiến

Nam Dương LDO | 23/09/2020 07:28
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, chỉ vừa đúng 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, với dã tâm chiếm nước ta lần nữa, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945) đó, tổ chức Công đoàn đã có những đóng góp vang dội.

Phát súng mở màn Nam bộ Kháng chiến

Ông Lê Hồng Tư - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (sinh năm 1934) - năm nay gần 90 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, nhớ lại: Những ngày Cách mạng Tháng 8.1945, mọi người ở làng quê của ông cũng nô nức tham gia cướp chính quyền. Lớn lên đi tham gia Cách mạng, ông mới hiểu vì sao mọi người lại háo hức đến thế. Bởi lẽ cuộc Cáng mạng Tháng 8.1945 đã làm thay đổi thân phận người Việt Nam từ người nô lệ thành công dân của nước cộng hòa, được làm chủ vận mệnh đất nước.

Sau này, ông Tư có nhiều dịp được gần gũi nghe ông Dương Quang Đông - lão thành Cách mạng, người đầu tiên tham gia Công hội đỏ của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - kể về việc nổ phát súng đầu tiên mở màn Nam Bộ kháng chiến.

Theo đó, ngày 22.9.1945, ông Dương Quang Đông được lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ phân công phụ trách một trung đội, trong đó nòng cốt là lực lượng Công đoàn Xung phong, tổ chức bảo vệ Dinh Đốc lý hay còn gọi là Dinh Xã tây (nay là UBND TPHCM - PV). Lúc đó, cả trung đội có khoảng 10 khẩu súng trường, còn lại là tầm vông, giáo, mác theo tinh thần nếu người cầm súng hy sinh thì những người khác sẽ thay thế, còn lại sẵn sàng đánh giáp lá cà. Khoảng 21 giờ ngày 22.9, lính Nhật gác vòng ngoài đã rút lui cũng là lúc quân Pháp được hỗ trợ của liên quan Anh - Ấn, có cả xe bọc thép hỗ trợ, chuẩn bị đánh chiếm dinh Xã Tây.

Đến khoảng 22 giờ, quân địch tiến đến, anh em trong trung đội đòi đánh ngay nhưng ông Dương Quang Đông yêu cầu phải chờ lệnh của ông. Khi quân giặc tiến gần, ông Dương Quang Đông đã lấy cây súng của một người đứng gần nhắm thẳng bóp cò. Tức thì tiếng súng nổ rộ lên, tốp lính đi đầu gục xuống. Đến nửa đêm về sáng, biết không trụ được, ông Dương Quang Đông tổ chức cho anh em rút lui về Đồn cây Mai - một trong những trung tâm chỉ huy của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ khi đó.

Góp phần ngăn chặn chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp

Nhà nghiên cứu sử học Phan Gia Hoài cho biết, theo các tư liệu lịch sử ghi lại, ngay từ chiều 23.9.1945, cả Sài Gòn - Chợ Lớn như ngập tràn trong khí thế chiến đấu tiêu diệt quân thù. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa. Đêm 23.9.1945, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Trong nội thành, chiến lũy được dựng lên ở khắp các phố phường để cản bước tiến của quân địch. Các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học. Chỉ sau thời gian ngắn, ta đã tổ chức được 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm.

Trong những ngày đầu của Cách mạng Tháng 8.1945, Tổng Công đoàn Nam Bộ đã tổ chức các đội vũ trang công nhân. Tuy không tổ chức thành đơn vị lớn, nhưng lực lượng vũ trang công nhân có trên 6.000 người, đóng vai trò nòng cốt trong các lực lượng vũ trang nội thành. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, ta đã kế thừa một bộ phận lớn quần chúng vũ trang trong tổng khởi nghĩa, nghèo vũ khí nhưng tinh thần rất hăng hái, kiên quyết bảo vệ độc lập. Nhờ đó, ta tạo lên sức mạnh to lớn để chiến đầu, chiến thắng thực dân Pháp.

Ông Phan Gia Hoài cho hay, chủ trương của ta là trước mắt bao vây quân Pháp trong thành phố Sài Gòn càng lâu càng tốt, ngăn chặn chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, ra sức tiêu hao sinh lực chúng càng nhiều càng tốt, để tất cả tỉnh có thời gian chuẩn bị kháng chiến. “Hoạt động chiến đấu của lực lượng vũ trang của tổ chức Công đoàn Nam Bộ khi đó đã góp phần thực hiện thành công chủ trương trên” - ông Phan Gia Hoài, nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn