MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 11.10.2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Cộng đồng quốc tế cần tiếng nói chính đáng của Việt Nam

Thanh Hà LDO | 13/10/2022 10:00

Ngày 11.10, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào cơ quan này, sau nhiệm kỳ 2014-2016. 

Khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa hết sức to lớn, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua. Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới. Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong quá trình Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - cho hay, khó khăn trong bầu cử đối với Việt Nam là rất nhiều, với số lượng ứng cử viên quá đông, riêng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tới 7 nước tham gia ứng cử. Quyền con người là một trong 3 trụ cột của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Nhân quyền là cơ quan chính của Liên Hợp Quốc để triển khai đường hướng về vấn đề quyền con người. Chính vì vậy các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này. Khó khăn thứ hai là Việt Nam tham gia muộn nhất trong các nước tham gia ứng cử, cũng như trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 không có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, công tác vận động chỉ được triển khai từ đầu năm 2022. Khó khăn thứ ba là cách tiếp cận trong vấn đề quyền con người giữa các nước có nhiều khác biệt và phải đi tìm mẫu số chung để các nước thấy rằng Việt Nam đóng góp được vào nỗ lực chung.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, dù khó khăn, thách thức như vậy, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi. Việt Nam là ứng cử viên được 10 quốc gia ASEAN ủng hộ và là ứng cử viên duy nhất của khu vực. Thuận lợi thứ hai là sự tín nhiệm của các nước thể hiện ở hai mặt: Tín nhiệm về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam; sự tín nhiệm với những đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế của Liên Hợp Quốc. Thuận lợi tiếp theo là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động, trong các cuộc tiếp xúc với các nước...

Vị thế của một quốc gia được coi trọng

Chúc mừng Việt Nam trúng cử, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam cho rằng, kết quả này thể hiện chính nguyện vọng của nhân dân các bạn. Thứ trưởng Shahriar Alam đề nghị Việt Nam và Bangladesh sẽ tiến tục hợp tác hơn nữa để đóng góp nhiều hơn tại Hội đồng Nhân quyền thời gian tới. Thứ trưởng Shahriar Alam chỉ ra, hai nước phải nhanh chóng thích ứng, phải hiểu nhau hơn, không chỉ là sự hiểu biết giữa Việt Nam và Bangladesh, mà là sự hiểu biết lẫn nhau giữa tất cả các nước, các khu vực.

Chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah - nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) - khẳng định, đây là sự công nhận cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. “Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam cũng luôn tham gia các nỗ lực bảo vệ quyền con người ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác" - ông nói. 

Ông nhắc lại rằng, không chỉ 9 nước thành viên ASEAN mà nhiều nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đã bỏ phiếu tán thành Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Ông Anjaiah cho biết, trên thực tế, người dân Việt Nam được hưởng nhiều quyền tự do và quyền con người. Chính phủ Việt Nam luôn cam kết vì lợi ích của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việt Nam đã đạt được những thành công và tiến bộ đáng kể trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc với tổng cộng 72,76 điểm.

Trong khi đó, ông Philip Fernandez - thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam - khẳng định, dưới sự lãnh đạo đã kinh qua thử thách của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân có quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội bình đẳng. Nói cách khác, các quyền con người đã được bảo vệ. Điều này được thể hiện qua nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm đói nghèo và bảo vệ người yếu thế. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, vào cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 2,75% trên tổng dân số gần 100 triệu người.

Ông Steve Rutchinski - thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam - cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia những sứ mệnh nhân đạo trong thành phần phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền giai đoạn 2014-2016 và tiếp tục được ASEAN tín nhiệm đề cử là ứng cử viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 cho thấy vai trò của Việt Nam với tư cách là lực lượng vì hòa bình, ổn định trên trường quốc tế, cũng như thể hiện sự coi trọng của các nước đối với Việt Nam. Ông Rutchinski nêu rõ, cộng đồng quốc tế cần tiếng nói chính đáng của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn