MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp công dân định kỳ tháng 8.2023. Ảnh: Hanoi.gov.vn

Công khai chủ tịch tỉnh, bộ trưởng ít tiếp dân sẽ như một hình thức phê bình

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/10/2023 12:21

Theo đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội, việc công khai thông tin người đứng đầu các bộ ngành, tỉnh, thành không đảm bảo thời gian tiếp công dân theo quy định trong năm như một hình thức phê bình, rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh để làm tốt hơn.

Công khai như một hình thức phê bình

Như Lao Động đã đưa tin, chiều 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho thấy, việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 79%, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đạt 45%.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, công khai thông tin những đơn vị nào mà người đứng đầu không tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, kể cả Bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, ngành, báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội rõ.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đi tiếp xúc cử tri đã có những địa phương phản ánh, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có nơi chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp dân.

Tại Hà Nội, theo Cổng thông tin thành phố đăng tải, sáng 15.8, tại trụ sở Ban tiếp công dân Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 8.2023.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân thuộc 5 quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh.

Tuy nhiên, trong tháng 9 và những tháng trước đó (tháng 5, 6, 7) không xuất hiện thông tin Chủ tịch thành phố tiếp công dân định kỳ.

Ngày 12.10, trao đổi với Lao Động, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực tế thời gian qua, một số Chủ tịch UBND cấp tỉnh ít và hạn chế tiếp công dân. Nếu chỉ nói chung chung như vậy thì rất khó, nên nêu ra danh sách cụ thể để các tỉnh, các địa phương và người dân biết rõ.

"Nếu đưa được ra danh sách thì các tỉnh sẽ tự thấy ngại, họ sẽ cảm thấy tỉnh mình có hạn chế tiếp công dân. Khi động vào lòng tự trọng của họ thì họ mới phấn đấu hơn, có chuyển biến cho những năm tiếp theo.

Chỉ như vậy thì Chủ tịch tỉnh mới có hành động thực chất hơn, quan tâm hơn đến việc trực tiếp tiếp công dân thay vì ủy quyền cho cấp phó hoặc giám đốc Sở", ông Hòa nói.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc công khai danh sách không phải xử lý kỷ luật, đây là hình thức phê bình công khai với dư luận. Việc công khai cũng cho thấy, Trung ương đã có giám sát, đã phê bình những lãnh đạo địa phương hạn chế tiếp công dân để có chuyển tiếp tích cực về sau.

Gần dân, hiểu dân hơn

Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12 và khóa 13 cho biết, trong những nhiệm kỳ trước, ông đã từng nhiều lần kiến nghị phải công khai Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng “lười” tiếp dân để Quốc hội và người dân rõ.

Theo ông Tiến, nếu lãnh đạo của các tỉnh, thành, bộ ngành không tiếp công dân được thì phải ủy quyền cho người được ủy quyền. Tuy nhiên, nhiều khi công dân đến ban tiếp công dân, trụ sở tiếp công dân nhưng không có ai tiếp, kể cả những người được ủy quyền.

"Công dân đến để khiếu nại, kiến nghị nhưng cuối cùng không ai tiếp cả, lại phải về. Điều này khiến người dân rất bức xúc. Do đó, việc công khai danh tính của lãnh đạo các cấp bộ ngành, tỉnh, thành, các đơn vị rất cần thiết.

Nếu người đứng đầu nhiều tháng, nhiều năm không tiếp công dân lần nào thì không hoàn thành trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của lãnh đạo là phải gần dân, sát dân, nghe dân nói để hiểu họ mong muốn gì ở cơ quan chính quyền, ở các quyết sách…", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, các cơ quan thực thi không nên "ngại động chạm", nếu nêu danh sách, công khai một vài lần sẽ rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho lãnh đạo của cả địa phương và Trung ương về trách nhiệm.

"Phải làm mạnh mẽ cho họ thấy về việc họ không có trách nhiệm đối với nhân dân, không lắng nghe nhân dân", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, không chỉ lắng nghe, từ phản ánh, kiến nghị của nhân dân, các cơ quan chức năng cần có những tiếp thu, điều chỉnh một số chính sách phù hợp thực tiễn, đặc biệt là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, cơ chế, phí...

Theo quy định tại Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp tiếp công dân 1 ngày trong 1 tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn