MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh Q.H

Công khai lịch tiếp công dân đơn giản thế còn chưa thực hiện, nói gì đến hiệu quả đón tiếp

VƯƠNG TRẦN LDO | 15/05/2018 11:35
Sáng 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 24. Tại đây, Ban Dân nguyện đã có báo cáo giám sát về việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện trình bày báo cáo về việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Theo đó, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (KNCT), các kiến nghị (KN) này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết (giảm 357 KN so với kỳ họp trước).

Trong tổng số 1.993 KN mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có 1.474 KN (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 KN (chiếm 8,13%) được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 KN (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: Cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng.

Việc xử lý các cán bộ sai phạm (được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân) vẫn còn có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh, ít cán bộ bị xử lý kỷ luật (chủ yếu là rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ lớn)...

Đặc biệt, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bình Định lo lắng về tình trạng vi phạm các quy định về phòng, chống cháy nổ xảy ra ở nhiều nơi, gây mất an toàn cho người dân, nhất là ở các khu chung cư cao tầng, nguy cơ cháy nổ rất cao do thiết kế xây dựng, do thiếu các thiết bị, điều kiện PCCC, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và có biện pháp giải quyết kịp thời đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.

Cũng theo bà Hải, vẫn có những tồn tại hạn chế mặc dù đã được nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng nhưng việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng.

“Đối với nội dung cụ thể là công tác tiếp công dân luôn được xem là đặc biệt quan trọng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, chưa nói đến chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân là như thế nào? Có giải quyết, tháo gỡ hay vướng mắc gì khó khăn của người dân hay không? Việc công bố công khai lịch tiếp công dân theo quy định của pháp luật là đơn giản nhất mà còn chưa thực hiện đầy đủ thì các vấn đề khác như chất lượng tiếp, hiệu quả tiếp sẽ như thế nào?” – Trưởng Ban Dân nguyện nêu.

Theo báo cáo, ngày 25.4.2018, kết quả truy cập vào cổng thông tin điện tử của các bộ ngành và 63 tỉnh thành phố như sau: có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công bố lịch tiếp công dân (giảm 01 tỉnh); 33/63 tỉnh không công bố (giảm 01 tỉnh); 03 tỉnh không truy cập được (tăng 02 tỉnh); có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ có công bố lịch tiếp công dân (thêm được 7 bộ so với kỳ trước) ; 14/22 bộ, cơ quan ngang bộ không công bố lịch tiếp công dân (số liệu ngày 25/9/2017).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn