MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hoàng Thị Khánh

Công nhân cần phải tỉnh táo, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng

Đức Long (ghi) LDO | 12/06/2018 13:12
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc Cựu tù Chính trị và tù binh TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phụ trách phía Nam, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho rằng: Công nhân cần phải tỉnh táo, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng.

Liên tục những ngày qua, theo dõi diễn đàn của Quốc hội, tình hình bên ngoài và thông tin trên mạng xã hội, tôi thấy bất ngờ. Việc Quốc hội thảo luận về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là để tìm ra một phương thức để đưa đất nước phát triển, thoát đói nghèo. Lẽ ra, mọi người nên bình tĩnh lắng nghe, nếu thấy rằng có những điểm chưa tốt thì chúng ta sẽ góp ý qua các kênh thông tin chính thống.

Tuy nhiên, một số người thiếu thông tin, thiếu nghiên cứu, thiếu bình tĩnh đã có những hành vi không đúng đắn, có dấu hiệu kích động hay bị kích động có những việc làm ảnh hưởng đến an ninh của đất nước, trật tự công cộng, việc làm của người lao động.

Các bạn công nhân cần phải tỉnh táo, vì các thế lực thù địch luôn không mong muốn đất nước ta ổn định phát triển, nên dễ lợi dụng tinh thần yêu nước của các bạn để kích động chống đối lại Nhà nước, doanh nghiệp. Trong khi đó, công nhân cần phải có công ăn việc làm ổn định để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, nuôi con cái ăn học… Các bạn cần bình tĩnh, lắng nghe đúng sai, tránh bị lợi dụng để có những hành động gây ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến công ăn việc làm của mình. Trong mọi suy nghĩ, hành động của mình phải luôn theo phương châm “ích nước, lợi nhà”, có nghĩa là đất nước phải ổn định, phát triển, gia đình có cuộc sống ấm êm.  

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: "Có dấu hiệu phạm tội bạo loạn"

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Pháp luật của Việt Nam ghi nhận và tôn trọng các quyền của công dân. Tuy nhiên, việc tự do biểu đạt các ý kiến, quan điểm của mình phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Khoản 2, điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Người dân biểu đạt, thể hiện quan điểm ý kiến của mình, nhưng không được gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân khác.

Sự kiện một số người dân có hành vi bao vây, đập phá trụ sở, tài sản, đốt xe của các cơ quan Nhà nước và tấn công các lực lượng bảo vệ pháp luật, là đã có dấu hiệu vi phạm tội bạo loạn được quy định tại điều 112 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, tội danh này được quy định như sau: “Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm; 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Ngoài ra, một số cá nhân còn có dấu hiệu vi phạm tội gây rối trật tự công cộng quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo điều luật này: 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn